28/02/2020 - 08:54

Nhật Bản nâng cấp tên lửa tấn công tàu sân bay 

Nhật Bản dự định nâng cấp tên lửa thế hệ mới để có khả năng tấn công tàu sân bay, bước đi được xem như “phát súng cảnh cáo” Trung Quốc liên quan cuộc tranh chấp các đảo trên Biển Hoa Đông.

Báo Mainichi mới đây dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thảo luận về kế hoạch cải thiện năng lực diệt hạm của tên lửa lướt siêu tốc (HVGP), mặc dù khí tài này đang trong quá trình phát triển và dự kiến đưa vào phục vụ năm 2026.

Lần đầu được hé lộ hồi cuối năm 2018, HVGP được thiết kế để một rốc-két phóng lên tầng khí quyển cao, sau đó tách ra và lướt thẳng về phía mục tiêu với tốc độ siêu nhanh. Nó có thể bay theo những quỹ đạo phức tạp nhờ hệ thống định vị toàn cầu (GPS), nên khó bị đánh chặn hơn so với các tên lửa thông thường. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang tính tích hợp thêm chất nổ vào HVGP để tên lửa có thể đâm thủng boong hàng không mẫu hạm, vốn rất cứng chắc. Khi đã xâm nhập vào boong, thiết bị sẽ phát nổ để chiến đấu cơ không thể cất hoặc hạ cánh. Phiên bản nâng cấp cũng sẽ sở hữu tầm bắn xa hơn và tốc độ tối đa, cũng như những quỹ đạo bay hiện đại hơn.

Giới chức quốc phòng xứ sở hoa anh đào chỉ nói HVGP có thể được dùng để nhắm vào các đảo bị quân địch xâm chiếm, mà không “điểm mặt” bất cứ thế lực thù địch nào. Tuy nhiên, Stephen Nagy - Phó Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế (Tokyo) - cho rằng mục tiêu nâng cấp của tên lửa mới nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh Tokyo lo ngại Bắc Kinh muốn kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông. Gần đây, các tàu của Trung Quốc được thấy di chuyển vào những khu vực liền kề ở gần quần đảo Senkaku và xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản. Trong khi Okinawa và Senkaku cách nhau khoảng 420km, tên lửa hiện nay của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản có tầm bắn chỉ hơn 100km. Do vậy, trang bị tên lửa lướt có tầm bay xa hơn sẽ giúp Tokyo phản ứng trước những hoạt động của Bắc Kinh mà không cần triển khai các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Biển.

Ngoài ra, từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa tàu sân bay Sơn Đông (ảnh) vào biên chế hải quân Trung Quốc. Đây là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, nhưng là chiếc đầu tiên nước này tự đóng. Trước đó, Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hồi năm 2012 sau khi cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Nga. Chưa hết, Trung Quốc còn muốn đóng thêm ít nhất 2 tàu sân bay. Theo Giáo sư Nagy, bản thân Trung Quốc cũng đã phát triển tên lửa siêu thanh “sát thủ tàu sân bay” như là một phần trong chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập” nhằm ngăn cản các nhóm tàu sân bay Mỹ tiến vào khu vực mà Trung Quốc gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” chạy dài từ Okinawa đến Đài Loan và Philippines. Mỹ cũng đang triển khai chiến lược tương tự và bây giờ đến lượt Nhật Bản.  

Trở lại với kế hoạch tên lửa, Chính phủ Nhật đã phê duyệt kinh phí 167,6 triệu USD để nghiên cứu phát triển HVGP và dự kiến sẽ bổ sung thêm 226,6 triệu USD cho dự án này trong ngân sách quốc phòng năm nay. Dù vậy, việc nâng tầm bắn và cải thiện những sức mạnh khác cho các thiết bị thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể bị đặt dấu hỏi về tính nhất quán trong chính sách chỉ phòng thủ lâu nay của nước này. 

Đáp lại, Chính phủ Nhật bảo vệ chương trình tên lửa, với tuyên bố rằng “HVGP chỉ để bảo vệ đất nước và cũng không được xem là vũ khí tấn công”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng dự định cân nhắc hạn chế tầm bắn tên lửa ở mức khoảng từ 500km trở xuống. 

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết