22/03/2015 - 13:51

Nhật Bản khuếch trương “quyền lực mềm”

Trong nỗ lực gia tăng "quyền lực mềm" trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của 2 quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa quyết định chi hơn 15 triệu USD để tài trợ cho các chương trình về Nhật Bản tại 9 trường đại học ở nước ngoài, trong đó Đại học Georgetown và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ.

Theo đó, MIT và Đại học Georgetown mỗi trường sẽ nhận được 5 triệu USD từ ngân sách của Bộ Ngoại giao Nhật cho tài khóa 2015. Bên cạnh đó, Tokyo còn bổ sung 5 triệu USD hỗ trợ các nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nơi giáo sư về chính trị và chính sách ngoại giao Nhật Bản Gerry Curtis sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay.

Đại học Columbia, nơi Tokyo chi 5 triệu USD để tài trợ cho một giáo sư về chính trị và chính sách ngoại giao Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, Quỹ Nhật Bản do chính phủ nước này thành lập với mục tiêu thúc đẩy trao đổi văn hóa sẽ phân bổ khoảng 150 triệu yen (hơn 1,2 triệu USD) cho 6 trường ở Mỹ và các nước khác. Ngoài ra, Tokyo còn có kế hoạch bổ sung thêm các chương trình tiếng Nhật, gửi sinh viên Nhật Bản sang Mỹ nghiên cứu và làm việc, đồng thời nỗ lực thay đổi nhận thức về nước này trên ​​toàn cầu.

Phản ứng trước thông tin trên, Đại học Georgetown và MIT từ chối bình luận về nguồn tài trợ trong khi phát ngôn viên Đại học Columbia Robert Hornsby nhấn mạnh nguyên tắc nhất quán của trường này là tôn trọng tuyệt đối tự do học thuật.

Một quan chức Tokyo từng cho biết sẽ xem xét mời các giáo sư để đảm bảo chương trình "phù hợp". Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau đó nói rằng không hề đặt ra điều kiện như thế. Trong một tuyên bố, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Nhật Bản Eiji Taguchi cũng khẳng định tôn chỉ trước nay của nước này là tôn trọng tự do học thuật và sẽ tiếp tục như vậy. Đồng thời, vị này cũng cho biết không giới hạn cách thức sử dụng nguồn quỹ, miễn là nó phục vụ cho các chương trình liên quan đến Nhật Bản.

Theo Reuters, đây là chương trình tài trợ nghiên cứu đầu tiên của Nhật Bản đối với hệ thống trường đại học Mỹ trong hơn 40 năm. Nó cũng là một phần trong nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Abe nhằm nâng cao hình ảnh Nhật Bản ở nước ngoài, sau khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập vị thế vững chắc trong hệ thống trường học ở Mỹ thông qua các Viện Khổng Tử và Viện Vua Sejong.

Cụ thể, Viện Khổng Tử của Bắc Kinh hiện đã "phủ sóng" 97 trường đại học ở Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng tính trung lập và tự do học thuật đối với những nghiên cứu về Trung Quốc có thể bị tổn hại. Trong khi đó, Seoul gần đây cũng tăng cường ngân sách hỗ trợ Viện Vua Sejong để triển khai các chương trình về Hàn Quốc tại Đại học Hawaii và Đại học Iowa.

Trở lại vấn đề của Nhật Bản, Nhật báo Phố Wall cho biết Tokyo trong tài khóa 2015 đã tăng gấp 3 nguồn ngân sách dành cho "truyền thông chiến lược" so với năm 2014. Theo giới chức Nhật Bản, mục tiêu là nhằm giải quyết những định kiến liên quan đến lịch sử thời chiến. Mặc dù vậy, quá trình này đến nay dường như tiến triển chưa thuận lợi. Đơn cử như hồi tháng 12-2014, Tokyo đã liên lạc với nhà xuất bản giáo dục của Mỹ McGraw-Hill và đề nghị thay đổi từ ngữ trong sách giáo khoa lịch sử trung học về vấn đề phụ nữ châu Á bị buộc phải phục vụ trong các nhà thổ của binh sĩ Nhật. Tuy nhiên, McGraw-Hill cho biết họ đã từ chối yêu cầu trên.

Nói về vấn đề này, Phó Giáo sư quan hệ quốc tế Thomas Berger của Đại học Boston (Mỹ) cho biết có rất nhiều điều mà Nhật Bản hiện đại có thể tự hào; song ông cũng e ngại những nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về lịch sử hiện đại của Nhật Bản có khả năng "vừa vô ích vừa phản tác dụng".

MAI QUYÊN (Theo Reuters, WSJ)

Chia sẻ bài viết