12/01/2008 - 21:22

"Nhạc sĩ vườn" giàu danh hiệu

Cuộc thi sáng tác ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long năm 2007, do Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh đăng cai tổ chức đã tổng kết trao giải vào cuối tháng 12-2007. Vượt lên hơn 350 ca khúc của 177 tác giả, Trần Minh Luân bước lên bục cao nhất của cuộc thi với tác phẩm “Tự tình Trà Vinh”. Ca khúc này còn được Ban Tổ chức chọn để trao một trong ba tặng phẩm dành cho ca khúc thể hiện chủ đề Trà Vinh khá nhất.

Trần Minh Luân không phải là cái tên quá xa lạ trong giới sáng tác âm nhạc ĐBSCL cũng như cả nước, dù anh chưa phải là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chàng “nhạc sĩ vườn” - xin tạm gọi về anh như vậy - đã có trong tay bộ sưu tập thành tích đáng khâm phục, với gần 120 giải thưởng các loại từ ca khúc, ca cổ, tới chặp cải lương, kịch bản thông tin cổ động, cả truyện ngắn nữa, rải ra từ Lạng Sơn vào tới Cà Mau.

Tại cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL do Hội VHNT Tiền Giang đăng cai, Trần Minh Luân từng giành giải nhì (không có giải nhất) với ca khúc “Về dấu ngựa xưa”, rồi giải ba tại cuộc thi do Hội VHNT Long An tổ chức với ca khúc “Giai điệu miền Tây”, tại cuộc thi do Hội VHNT Cần Thơ đăng cai, anh lại giành tiếp một giải ba với ca khúc “Xôn xao trống hội Cà Mau” và thêm một lần được giải khuyến khích cùng ca khúc “Kiên Giang tình đất với người”, tại cuộc thi do Hội VHNT Kiên Giang tổ chức. Trong 6 lần tổ chức giải sáng tác ca khúc ĐBSCL, Trần Minh Luân trở thành một “kỷ lục gia” với 5 giải thưởng, bao gồm 01 giải nhất, 02 giải nhì, 02 giải ba và 01 giải khuyến khích. Nhớ lại năm 2005, do là năm chẵn nên nhiều ngành, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các cuộc thi sáng tác và cũng là năm “bội thu” của Trần Minh Luân, khi anh “ẵm” 16 giải thưởng ở khắp ba miền Tổ quốc. Trong đó, ca khúc “Giai điệu tuổi thần tiên” của anh giành giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc do báo Tiền Phong tổ chức.

Trần Minh Luân sinh năm 1947 và hiện sống bằng nghề làm vườn tại làng Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Anh bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1978 nhưng những tác phẩm đầu tay ấy tới nay không còn lưu giữ được, bởi đó chỉ là những cảm xúc, những giai điệu cho riêng anh, cho bạn bè của anh, được bật lên từ cây guitare cũ kỹ chứ cũng chưa từng được ghi ra bằng giấy trắng mực đen.

Năm 1985, Trần Minh Luân được Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre cử sang học lớp sáng tác cơ bản của Hội Nhạc sĩ Việt Nam mở tại Vĩnh Long. Đây là lớp học âm nhạc đầu tiên và cũng là duy nhất mà anh được tham dự. Không được học trường lớp, bài bản lại không được đi nhiều như các văn nghệ sĩ khác nhưng bù lại Trần Minh Luân luôn mày mò tự đọc, tự học, tự nghiên cứu. Anh tâm sự “Làm nghệ thuật không thể chỉ dựa vào chút năng khiếu trời cho mà phải không ngừng mở rộng, nâng cao kiến thức”. Ngoài kiến thức âm nhạc, anh còn tìm đọc nhiều bài viết về văn hóa xã hội, lịch sử địa lý... của từng vùng đất.

Dù cảm xúc đến không từ những chuyến đi thực tế, nhưng đã đến gián tiếp với anh từ việc đọc người khác viết, nghe người khác kể. Để cảm xúc gián tiếp không còn mang tính vay mượn, mà thực sự trở thành cảm xúc của mình, đòi hỏi sự hình dung, liên tưởng và sự nhạy cảm, tinh tế ở tâm hồn. Hoàn cảnh thực tế của một “nhạc sĩ vườn”, quanh năm cứ bị chén cơm manh áo chi phối đã rèn thêm khối óc giàu liên tưởng, tâm hồn đầy tinh tế ở anh. Trần Minh Luân đã biến cái của người khác - cả kiến thức lẫn cảm xúc - thành cái riêng của mình một cách hết sức độc đáo.

Trong ca khúc “Tự tình Trà Vinh”, Trần Minh Luân bắt đầu bằng lời tâm sự với cây, qua cây để tâm sự với người:

Kể chuyện quê ta, cây ơi!

Đừng trăm năm đứng lặng

Kể những thăng trầm lắng vào hồn đất

Kể những chân trần nóp giáo ngang vai

Cơm gói mo cau tạc dáng hình thế kỷ!

Cây xanh là nhân chứng của một lịch sử kiên trung bất khuất, rồi cây xanh cũng sẽ tiếp tục là chứng nhân cho con đường đi lên giàu đẹp của vùng đất Trà Vinh:

Trà Vinh ơi, truyền thống kiên trung đẹp

trang lịch sử

Vang khúc hùng ca đất mẹ anh hùng

Hành trình dẫu xa nhưng ta đã thấy

Nắng đẹp bình minh, xuân thắm Trà

Vinh!

Đã vào tuổi sáu mươi nhưng trông Trần Minh Luân vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và yêu đời. Sự tinh tế, nhạy cảm của người nghệ sĩ cùng bề dày của sự từng trải sẽ làm thành nền tảng vững chắc để anh tiếp tục có những sáng tác mới hay hơn đến với công chúng yêu âm nhạc vùng sông nước Cửu Long.

TRẦN DŨNG

Chia sẻ bài viết