19/04/2024 - 18:08

Nhà hàng ảm đạm vì thói quen kéo dài từ COVID-19 

Trên khắp châu Á, nhiều bên kinh doanh nhà hàng đang thua lỗ khi số lượng thực khách đi ăn ngoài chưa thể phục hồi về mức như trước đại dịch COVID-19.

Các ứng dụng giao hàng cạnh tranh khốc liệt ở Đông Nam Á. Ảnh: New Straits Times

Trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, hoạt động thương mại điện tử bùng nổ ở nhiều nước, đặc biệt là các nền tảng giao nhận đồ ăn thức uống trực tuyến. Xu hướng “tiện lợi hóa” bữa ăn qua các ứng dụng đặt món như vậy vẫn tồn tại với nhiều người kể cả sau đại dịch COVID-19. Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, lượng giao hàng vốn chiếm 8% thị trường dịch vụ thực phẩm vào năm 2018 đã tăng lên 21% vào năm 2023. Đến năm 2028, tỷ lệ này được dự báo đạt 23%, đánh dấu sự thay đổi lâu dài trong hành vi của người tiêu dùng. Trái lại, Euromonitor cho biết ăn uống tại nhà hàng chiếm 76% ngành dịch vụ ăn uống ở châu Á năm 2019 đã giảm xuống còn khoảng 60%. Với tỷ lệ ước tính đạt 67% thị trường vào năm 2028, giới phân tích dự đoán ngành này có thể không phục hồi về mức trước dịch COVID-19 trong ít nhất 5 năm tới.

Trang tin Nikkei cho biết, dữ liệu của Euromonitor bao gồm 46 thị trường trên khắp châu Á. Ngành dịch vụ thực phẩm bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như đồ ăn thức uống bán ở các nhà hàng hoặc ki-ốt. Nhờ những cải tiến trên ứng dụng điện thoại thông minh, thực khách hiện ưa chuộng đặt món đã chế biến hoặc sơ chế, kể cả tại nhà hàng. Xu hướng này đặc biệt đáng chú ý ở Đông Nam Á, nơi những ứng dụng như Grab, Shopee ngày càng thu hút khách hàng. Điểm trừ là mô hình giao hàng bùng nổ đồng thời tạo sức ép lên môi trường khi thải ra vô số hộp và túi dùng một lần. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết