12/08/2022 - 07:48

Người từng nhiễm COVID-19 bị kỳ thị ở Trung Quốc 

Theo các nhà hoạt động, chính sách phòng chống đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đang gây ra nạn phân biệt đối xử khiến hàng ngàn người bị mất việc làm, trong đó lao động nhập cư và thanh niên là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong khi thế giới mở cửa và thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, Trung Quốc đến nay là nền kinh tế lớn cuối cùng trên toàn cầu áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và yêu cầu xét nghiệm hàng loạt nhằm đưa số ca nhiễm trong cộng đồng về 0. Dựa trên chính sách này, người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cùng với những ai đã tiếp xúc với họ đều bị đưa đến các cơ sở kiểm dịch. Trong điều kiện như vậy, chỉ một số ít ca bệnh bùng phát ở xưởng cũng có thể khiến cả nhà máy tạm dừng hoạt động. Cũng vì vậy mà hình thành nên hành vi phân biệt đối xử với người từng mắc COVID-19 trong xã hội, khiến họ bị tước quyền lao động.

Đơn cử như Zuo - nhân viên quét dọn tại một trong những trung tâm kiểm dịch lớn nhất Thượng Hải. Khi dương tính với COVID-19, Zuo hy vọng không lâu nữa có thể trở lại làm việc. Bốn tháng sau khi khỏi bệnh nhưng cô vẫn đang vật lộn để có lại việc làm khi chủ lao động không những từ chối trả lương kể từ khi cô bệnh mà còn viện dẫn tiền sử bệnh tật để cấm cô trở lại làm việc. “Các nhà tuyển dụng khi phỏng vấn sẽ kiểm tra lịch sử xét nghiệm COVID-19 của ứng viên. Mọi người đều xa lánh những người như tôi vì sợ bị lây nhiễm virus. Bất kể đi đâu, lịch sử nhiễm bệnh sẽ theo chúng tôi như một bóng đen” - Zuo nói với Hãng tin AFP.

Không chỉ lao động bình dân, tình trạng phân biệt đối xử với người từng là F0 gần như phổ biến trong xã hội Trung Quốc khi nước này quyết theo đuổi chính sách “zero COVID”. Không công khai tên thật, He Yuxiu cho biết bản thân sống ở Ukraine và có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc. Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhắm vào Kiev, cô trở về nước và tìm được công việc dạy tiếng Nga ở tỉnh Hà Bắc. Nhưng Yuxiu đã bị sa thải sau khi mọi người biết cô từng nhiễm COVID-19 ở Ukraine. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ mất việc vì lý do này. Tại sao chúng tôi bị đối xử như một con virus khi đã đánh bại nó” - Yuxiu đăng trên mạng xã hội Weibo.

Sự kỳ thị lan rộng

Zuo hay Yuxiu chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về tình huống các bệnh nhân hồi phục sau khi mắc COVID-19 ở Trung Quốc phải đối mặt. Tháng rồi, một phụ nữ trẻ khiến cả nước chú ý khi phải sống hàng tuần trong nhà vệ sinh ở ga xe lửa Hồng Kiều, Thượng Hải vì không tìm được việc làm và cũng không trở về làng được do bị kỳ thị sau khi nhiễm COVID-19. Hay một nam thanh niên từng là F0 khác phải ngủ trên lề đường do không tìm được việc làm và chỗ ở, thậm chí phải rời khỏi Thượng Hải do bị quấy rối khi đăng hoàn cảnh của mình lên mạng xã hội. Ở thành phố Phật Sơn, một nhà hát đã lên tiếng xin lỗi sau thông báo cấm F0 khỏi bệnh vào trong gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng.

Theo Chen Yaya của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, biện pháp kiểm soát đại dịch có phần thái quá là yếu tố chính dẫn tới sự kỳ thị nhắm tới không chỉ bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh mà còn với gia đình, hàng xóm, bạn bè của họ; thậm chí cả nhân viên y tế tuyến đầu. Tuy Trung Quốc đã nới lỏng cách tiếp cận, nhưng nó vẫn để lại bóng ma tâm lý với nhóm người dân còn thiếu ý thức. Trước thực trạng này, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và bộ phận quản lý nguồn nhân lực vào tháng 7 đã ra lệnh cấm chủ lao động phân biệt đối xử với bệnh nhân mắc COVID đã hồi phục. Thủ tướng Lý Khắc Cường còn ra lời kêu gọi trừng phạt nặng những người vi phạm quy tắc.

Nhưng người lao động và các nhà hoạt động đều hoài nghi khi không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi đáng kể.  Hồi tháng trước, một quảng cáo tuyển dụng công nhân nhà máy ở Thượng Hải nói rõ ứng viên có tiền sử nhiễm COVID-19 sẽ bị từ chối phỏng vấn. Sau khi chính quyền thành phố công bố các quy định về chống phân biệt đối xử, Wang Tao của một văn phòng giới thiệu việc làm cho biết các nhà máy ở Thượng Hải dù thiếu công nhân vẫn không tuyển F0 đã khỏi bệnh. Theo các nhà quan sát, trong tương lai gần, “COVID-19” sẽ vẫn là một từ gây phản cảm ở Trung Quốc.

Nga phát hiện chủng SARS-CoV-2 kết hợp giữa 2 biến thể Omicron và Delta

Các nhà khoa học vừa phát hiện tại Nga chủng kết hợp giữa 2 biến thể Omicron và Delta của SARS-CoV-2, đồng thời cho biết cần nghiên cứu thêm về mức độ nguy hiểm của chủng virus này. Theo nhà di truyền học Dmitry Pruss, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mọi thứ và chắc chắn đây là một chủng virus lai chứ không phải sản phẩm của sai sót trong phòng thí nghiệm. Theo ông, chủng virus kết hợp giữa 2 biến thể Omicron và Delta là rất hiếm vì biến thể Delta gần như đã biến mất hoàn toàn.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết