06/01/2008 - 09:31

Người trả đất về với thiên nhiên

Canh tác mà không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc hay màng nhựa dường như đã lỗi thời trong mắt nhiều người, nhất là trong thời buổi nông nghiệp hiện đại lan đến hầu khắp mọi miền quê Trung Quốc. Thế nhưng anh nông dân An Jinlei trạc tuổi 30, người làng Dongzilong, huyện Hengshui, tỉnh Hà Bắc (cách Thủ đô Bắc Kinh chừng 100 km) đang chứng minh cho thế giới thấy có một cách sống khỏe hơn và thân thiện môi trường nhiều hơn trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang là thời sự nóng.

Từ khi thuê được 3,4 hécta đất, An và vợ quyết “nói không” với phương pháp canh tác hiện đại vốn có hại cho đất và nông sản làm ra. Thoạt đầu, nhiều dân làng cho rằng cặp vợ chồng này “có vấn đề”. Trong khi các nông dân khác do dùng máy móc cày xới nên thảnh thơi ngồi nhà vào mùa đông, An miệt mài vác cuốc ra đồng làm đất chuẩn bị cho vụ xuân. An tự hào vì tất cả nông sản mình sản xuất đều không dùng phân bón và thuốc trừ sâu. Bởi theo anh, “dùng thuốc có thể diệt côn trùng gây hại cho cây nhưng khi côn trùng chết đi, hệ sinh thái tự nhiên trong đất cũng chết theo”. Vì lẽ đó, An thích dùng “đội quân” giun làm sạch đất hơn là xài thuốc diệt cỏ. An cho rằng thế hệ trước do ám ảnh nỗi sợ giặc đói nên sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu với mong muốn đạt sản lượng thu hoạch cao.

Phun thuốc trừ sâu chưa phải là giải pháp tối ưu để tăng năng suất. Ảnh: Viewimages

Trong những vụ đầu, An thu hoạch không đạt sản lượng cao. Nhưng chỉ sau vài năm, sản lượng của mảnh vườn nhà anh bắt đầu theo kịp lối xóm. “Đó là do đất đã hồi sinh”, An nói với vẻ tự hào. Bắp do anh trồng, ngoài phần cùi nhỏ hơn, hạt được đánh giá là chất lượng hơn nhiều. Còn sợi bông thì dài hơn so với những nhà khác.

Theo An, “đất là tài sản của thiên nhiên và nó không chỉ phục vụ mỗi con người” bởi vậy mọi sự sống đều có quyền dựa vào đất. Với suy nghĩ này, gia đình anh dành gần 700 mét vuông đất trồng hạt kê dành riêng cho chim chóc. Từ đó, nơi này trở thành “thiên đường” nuôi dưỡng hàng ngàn con chim mỗi khi hạt kê chín. Điều An hãnh diện là bầy chim chỉ ăn mỗi hạt kê và hiếm ít ngó đến cây trồng trong vườn nhà anh.

An vốn “dị ứng” cuộc sống ồn ào ở thành thị, nơi lương thực được sản xuất nhờ phân bón, thuốc trừ sâu. Vì lẽ đó, anh ít khi nhận lời các tổ chức khuyến nông lên thành phố hướng dẫn phương pháp canh tác hữu cơ (không dùng phân hóa học). Dù vậy, An có rất đông bạn bè thành phố, trong đó nhiều người đến sống cùng vợ chồng anh một thời gian vì chỉ muốn trải nghiệm cuộc sống đồng quê trong khi số khác muốn thoát khỏi áp lực đô thị. Cho dù vì mục đích nào, tất cả đều “mê” những nông sản “an toàn” do An làm ra.

Gần đây, nhiều đoàn công tác ở các địa phương khác tìm đến An học hỏi kinh nghiệm bảo vệ môi trường. Lúc đầu, anh hoan nghênh vì họ kêu gọi người dân quê anh bớt dùng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhưng không lâu sau, An bắt đầu “dị ứng” bởi “họ đến đây bằng máy bay. Đó là một sự lãng phí tài nguyên”. Bản thân anh từng một lần ngồi máy bay sang Thái Lan theo lời mời của một Hội nông nghiệp bên đó. Nhưng nay An thề sẽ không bao giờ bước chân lên máy bay.

TUYẾT HỒNG (Theo Chinaview)

TUYẾT HỒNG (Theo Chinaview)

Chia sẻ bài viết