04/06/2022 - 20:23

Người châu Phi chạy tị nạn biến đổi khí hậu 

Osman Ali lớn lên gần con sông Shabelle đủ sâu để anh có thể thỏa thích bơi lặn. Nhưng trong 3 năm gần đây, hạn hán đã khiến con sông ở miền Nam Somalia này trở thành một dòng nước bẩn. Sau khi cừu và dê chỉ còn “da bọc xương” trong khi đám bắp và cây mè héo úa vì thiếu nước tưới, thanh niên 29 tuổi này đã phải bấm bụng bán mảnh đất của gia đình để đến Brazil. Sau 2 tháng trời khổ cực vượt qua biết bao rừng rậm, sông ngòi và thành phố, Ali cuối cùng cũng đến được thành phố Tapachula (bang Chiapas, Mexico) để mong chinh phục “giấc mơ Mỹ”.

Người di cư xếp hàng chờ được hỗ trợ tại Mexico. Ảnh: Reuters

Người di cư xếp hàng chờ được hỗ trợ tại Mexico. Ảnh: Reuters

Tương tự như Ali, Ibrahima Coulibaly cũng đã đến Tapachula. Theo tờ Japan Times, Coulibaly phải rời bỏ ngôi nhà ở gần thành phố Tambacounda, miền Đông Senegal, khi không còn có thể canh tác trên mảnh đất rộng chừng 2 héc-ta. Hết đợt hạn hán này tới đợt hạn hán khác đã phá hủy mảnh ruộng trồng kê, đậu phộng của anh, khiến gia đình không còn gì để ăn, buộc anh phải bán 32 con gia súc và bắt đầu cuộc hành trình dài đến châu Mỹ. Thế nhưng, hành trình chinh phục “giấc mơ Mỹ” của Coulibaly lắm gian truân. Đến Brazil vào đầu năm nay và bị cướp tại Darien Gap, khu rừng thiêng nước độc kéo dài từ Colombia đến Panama, Coulibaly đã phải tuyệt vọng chờ được cấp phép để có thể tiếp tục băng qua Mexico đến biên giới Mỹ. “Vào một thời điểm nào đó, việc rời đi vẫn tốt hơn là ở lại quê nhà. Bạn có thể đi bộ cho đến khi chết chứ không thể ngồi yên chờ chết vì đói. Lúc nào cũng vậy, năm sau luôn tệ hơn năm trước” - Coulibaly cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.

Không riêng gì Ali hay Coulibaly, ngày càng có nhiều người ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali, Senegal, Ghana, Somalia cũng như nhiều nơi khác phải rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Lục địa mà họ trốn khỏi đang phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của hành tinh. Dù chỉ là nơi tạo ra 4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới nhưng châu Phi đang phải hứng chịu những cơn bão, những trận lũ lụt cũng như những đợt hạn hán khi Trái đất nóng lên. Chính vì điều này đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, chủ yếu đến các khu ổ chuột ở đô thị trên khắp lục địa cũng như đến châu Âu và Mỹ.

Ngân hàng Thế giới ước tính vào năm 2050, 86 triệu người dân châu Phi, tức khoảng 6,6% trong tổng số 1,3 tỉ người của khu vực, sẽ buộc phải di cư do biến đổi khí hậu. Và phần lớn trong số họ thường đến các khu vực khác của đất nước hoặc tràn sang quốc gia láng giềng. Những người khác có thể gom góp một số tiền lớn để đi xa hơn. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, hơn 4.500 người châu Phi đã vượt qua biên giới Colombia - Panama để cố gắng đến biên giới Mỹ. Mặc dù châu Âu siết chặt kiểm soát biên giới nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, hơn 89.000 người đã vượt qua sa mạc Sahara ở phía Bắc Niger để đến Algeria và Libya rồi sau đó đến lục địa già. 9 trong số 10 người được IOM hỏi nói rằng biến đổi khí hậu là một trong những lý do khiến họ tha phương cầu thực.

Một chuyên gia cho rằng để giúp người dân nơi đây ở lại quê nhà thì lục địa đen cần phải phát triển bền vững với cái giá phải trả lên tới 1.000 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng “chống chọi với khí hậu”. Giới chức châu Phi ước tính rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách củng cố các tuyến đường bờ biển chống lại tình trạng nước biển dâng cao, chống sa mạc hóa và xây dựng những tuyến đường, cầu thích ứng với khí hậu sẽ cần khoảng 33 tỉ USD/năm. Thế nhưng, ngoài số tiền các nước tự huy động là 6 tỉ USD, họ chỉ nhận được thêm 6 tỉ USD viện trợ.

Lisa Lim Ah Ken, chuyên gia về di cư và biến đổi khí hậu phụ trách khu vực Đông Phi của IOM, cũng có ý kiến tương tự. Theo bà Lim Ah Ken, các quốc gia giàu hơn có thể hạn chế người tị nạn ở biên giới của họ bằng cách giúp châu Phi thích ứng với biến đổi khí hậu. “Các nước phát triển dành ngân sách quốc gia khổng lồ để xây dựng các bức tường, tạo ra và kiểm soát các chính sách ngăn chặn di cư nhưng nếu nguồn ngân sách đó được đầu tư vào các nước và cộng đồng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu thì lượng người buộc phải di cư sẽ giảm” - bà Lim Ah Ken nhấn mạnh.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết tác động của biến đổi khí hậu khiến các nền kinh tế châu Phi thiệt hại từ 3-5% GDP. Khoảng một nửa dân số lục địa đen phụ thuộc vào nông nghiệp. Con số này ở các nước Đông Phi là 70%. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi tại châu Phi rất ít và người nông dân chỉ trông chờ vào nước mưa. Quy hoạch kém, nạn phá rừng và thất thoát ngân quỹ phát triển càng làm tồi tệ thêm những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra đối với châu lục này.

Châu Phi trong năm nay đã hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Vùng Sừng châu Phi hiện đang đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 4 thập niên qua, khiến 16 triệu người trên khắp Kenya, Ethiopia và Somalia gặp nguy hiểm và làm dấy lên nguy cơ xuất hiện “bóng ma” nạn đói. Theo Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng, số trận lũ lụt ở châu Phi đã tăng gấp 5 lần kể từ những năm 1990. Lũ lụt kéo theo các cơn lốc xoáy gây ra nạn châu chấu tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua, khiến 9,6 triệu người Sudan không có đủ lương thực và hàng ngàn nông dân ở Somalia phải di cư.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết