29/09/2014 - 21:38

Người biểu tình phong tỏa trung tâm tài chính Hồng Công

Ngày 29-9, những người biểu tình đòi dân chủ vẫn bám trụ khu vực trung tâm tài chính của Hồng Công, sau một ngày tuần hành rầm rộ và xảy ra một số vụ đụng độ với cảnh sát làm ít nhất 38 người bị thương. Bất chấp các biện pháp trấn áp mạnh tay của cảnh sát, cuộc biểu tình có hàng nghìn người tham gia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Reuters ghi nhận vào sáng sớm hôm qua, cảnh sát chống bạo động đã xịt hơi cay, vòi rồng và dùng dùi cui để xua đuổi đám đông. Những người biểu tình đã đeo mắt kính, mặt nạ, che dù và mặc áo mưa để chống lại hơi cay và xếp thành hàng rào để ngăn cản lực lượng an ninh. Họ sau đó phong tỏa một số tuyến đường dẫn tới quận Central của Hồng Công, một trong những trung tâm tài chính quan trọng của thế giới, và chiếm đóng trung tâm mua sắm cao cấp Pacific Place (tọa lạc gần điểm biểu tình chính). Bất chấp lời kêu gọi giải tán của những người tổ chức biểu tình do lo ngại cảnh sát có thể sử dụng đạn cao su để trấn áp, người biểu tình vẫn bao vây một tòa nhà hành chính của chính quyền Hồng Công. "Nếu hôm nay tôi không đứng lên, tôi sẽ hận bản thân mình trong tương lai" – ông Edward Yeung (55 tuổi), một tài xế taxi tham gia biểu tình đòi dân chủ, nói. "Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng… chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc" - Peter Poon, một người biểu tình trong độ tuổi 20, cho biết.

Người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động xịt hơi cay để giải tán vào sáng 29-9. Ảnh: Reuters

Trung Quốc hồi tháng 8 đã bác bỏ yêu cầu cho phép người dân Hồng Công tự do chọn đặc khu trưởng trong cuộc bầu cử năm 2017. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ cho phép cư dân của đặc khu hành chính chọn lựa lãnh đạo trong số các ứng viên mà họ định sẵn. Điều này đã dẫn đến các phong trào biểu tình đòi dân chủ rộng khắp Hồng Công, với rất nhiều đối tượng tham gia, bao gồm cả sinh viên và học sinh.

Trong làn sóng biểu tình mới nhất do các thủ lĩnh sinh viên phát động cuối tuần qua, ước tính có khoảng 80.000 người tham gia. Những người biểu tình yêu cầu Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh và 3 quan chức khác phụ trách cải cách chính trị phải từ chức. Yvonne Leung, người phát ngôn của Hội liên hiệp Sinh viên Hồng Công, cho biết nếu yêu cầu nói trên (và 3 yêu cầu khác) của họ không được đáp ứng, giới học sinh sinh viên tuyên bố đẩy mạnh hơn nữa hoạt động biểu tình và sẽ tiến hành bãi khóa. Trong cuộc biểu tình được xem là tồi tệ nhất kể từ khi Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc năm 1997, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 78 người, tuổi từ 16-58, bao gồm một số thủ lĩnh biểu tình là sinh viên.

Biểu tình ở Hồng Công ít nhiều cũng khiến một số quốc gia và công ty lo ngại. Úc và Ý đã ban hành cảnh báo đi lại đối với công dân của mình tại Hồng Công, kêu gọi họ tránh xa các điểm biểu tình. Các công ty hoặc dịch vụ tài chính có cơ sở hoạt động đặt tại quận trung tâm, như Ngân hàng HSBC, Citigroup, Ngân hàng Trung Quốc, Standard Charter, DBS…, cũng tạm thời đóng cửa một số chi nhánh và đề nghị đội ngũ nhân viên làm việc từ xa, ở nhà hoặc tại các văn phòng chi nhánh.

Đến trưa 29-9, chính quyền Hồng Công cho biết họ đã rút lực lượng cảnh sát chống bạo động khỏi các điểm biểu tình vì tình hình đã bớt căng thẳng. Yvonne Leung cho biết thủ lĩnh biểu tình của giới học sinh trung học Joshua Wong đã được trả tự do từ tối 28-9, cùng với hai sinh viên khác là Alex Chow và Lester Shum bị bắt từ hôm 27-9.

Trong lời phát biểu đầu tiên gửi đến những người biểu tình, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh hai ngày qua liên tục kêu gọi mọi người giải tán và nếu cần thì thể hiện bất đồng chính kiến bằng biện pháp an toàn và hòa bình hơn. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết một cuộc tham vấn về cải cách bầu cử sẽ sớm được tiến hành. Dù vậy, ông tái xác nhận rằng chính quyền Hồng Công sẽ vẫn ủng hộ quyết định từ Bắc Kinh.

THANH TRÚC (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết