27/05/2020 - 09:14

Nghịch lý Brazil! 

Bộ Y tế Brazil ngày 25-5 khẳng định sẽ không thay đổi khuyến nghị điều trị COVID-19 bằng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định ngừng các cuộc thử nghiệm thuốc này do lo ngại về mức độ an toàn.

Tổng thống Bolsonaro (giữa) tham gia cuộc biểu tình phản đối phong tỏa hôm 24-5. Ảnh: Getty Images

Tuần rồi, Bộ trưởng Y tế tạm quyền của Brazil Eduardo Pazuello đã ban hành hướng dẫn khuyến nghị các bác sĩ kê hydroxychloroquine hoặc thuốc có liên quan là chloroquine cho những ca bệnh xuất hiện các triệu chứng ban đầu của COVID-19. Giống như người đồng cấp Mỹ Donald Trump, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ca ngợi những lợi ích của hydroxychloroquine và chloroquine trong điều trị COVID-19. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã nghi ngờ tính an toàn và hiệu quả của chúng trong điều trị COVID-19. Trong đó, tài liệu đăng trên tạp chí y học The Lancet gần đây phát hiện sử dụng 2 loại thuốc này để chữa trị COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân. Do vậy, WHO hôm 25-5 đã "tạm thời" đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với hydroxychloroquine về khả năng điều trị COVID-19 tại nhiều quốc gia.

Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil cũng cho biết số ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày ở nước này lần đầu tiên vượt qua Mỹ. Tính đến chiều 26-5, Brazil ghi nhận hơn 376 ngàn ca nhiễm COVID-19, cao thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ), với trên 23 ngàn người tử vong. Trong cuộc khủng hoảng này, Tổng thống Bolsonaro đổ hết trách nhiệm cho các thị trưởng, thống đốc và thậm chí là truyền thông. Ngược lại, ông tự nhận mình là "chiến sĩ" sẵn sàng bảo vệ ý tưởng lạ thường, cho rằng đóng cửa nền kinh tế để kiểm soát COVID-19 cuối cùng sẽ gây ra nhiều tổn thất hơn so với việc để dịch bệnh đi theo lộ trình của nó.

Kể từ khi dịch bùng phát, nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu này né tránh thừa nhận những ảnh hưởng tiềm tàng do những hành động của ông gây ra, nhất là trong chuyện phản đối biện pháp giãn cách xã hội của các lãnh đạo địa phương. Ông nói rằng một số bang đi quá xa khi thực hiện các biện pháp phòng dịch và kết quả là hàng chục triệu dân Brazil bị mất thu nhập. Đến khi các thống đốc phớt lờ sắc lệnh của Tổng thống về việc cho phép các phòng tập thể dục, tiệm cắt tóc… hoạt động, thì ông lại cảnh báo hành động của họ sẽ "mời gọi chủ nghĩa độc đoán nổi lên" tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này. 58% người được hỏi trong cuộc thăm dò hồi tuần rồi đánh giá cách ứng phó đại dịch của ông Bolsonaro là "kinh khủng".

Miguel Lago tại Viện Nghiên cứu chính sách y tế Brazil nhận định cuộc khủng hoảng hiện nay lẽ ra phải được đối phó bằng sự lãnh đạo toàn diện, những thông điệp rõ ràng, đoàn kết và ổn định về mặt chính trị. Ông Lago mỉa mai 2 bộ trưởng y tế mất chức trong đại dịch (vì bất đồng quan điểm với Tổng thống Bolsonaro) đã biến Brazil thành quốc gia duy nhất trên thế giới làm được điều "độc đáo" này.

HẠNH NGUYÊN  (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết