22/02/2018 - 14:09

Nga, Trung Quốc phát triển vũ khí “phản” không gian 

Hàng năm, Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) đều cho công bố Đánh giá nguy cơ toàn cầu đối với cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó bao gồm đánh giá  về các mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia nước này.

Tên lửa Trường Chinh-5 của Trung Quốc chuẩn bị được phóng đi. Ảnh: China Daily

Tên lửa Trường Chinh-5 của Trung Quốc chuẩn bị được phóng đi. Ảnh: China Daily       

Trong những năm gần đây, báo cáo trên chủ yếu tập trung vào sự phát triển và phổ biến của các loại vũ khí, chiến tranh khu vực, xu hướng kinh tế, khủng bố và chống khủng bố…Tuy nhiên, báo cáo được Mỹ công bố mới đây lại tập trung nhấn mạnh mối đe dọa mới đối với nền an ninh quốc gia Mỹ, đó là tình trạng phát triển vũ khí không gian, đặc biệt là của hai nước Nga và Trung Quốc. Theo báo cáo, hai cường quốc này trong những năm tới sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển vũ khí không gian khi mà cả hai đều có kế hoạch đẩy mạnh phát triển các hệ thống trinh sát, thông tin liên lạc và điều khiển không gian, không chỉ cho phép  tăng cường khả năng nghiên cứu trong không gian mà còn phát triển các ứng dụng quân sự.

“Trong vài năm tới, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh có thể có vũ khí “phá hoại” để sử dụng trong một cuộc xung đột không gian tiềm ẩn. Hai thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc này đang xem các loại vũ khí chống vệ tinh như là một phương tiện nhằm làm giảm tính hiệu quả về mặt quân sự của Mỹ và đồng minh, bằng cách làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc, định hướng và phối hợp toàn cầu giữa các quốc gia và quân đội. Các loại vũ khí chống vệ tinh của họ, gồm tên lửa đạn đạo, được thiết kế để phá hoại các hệ thống trong không gian. Chúng là một phần quan trọng của cái gọi là công nghệ phản không gian, phần cứng hay phần mềm nhằm cản trở những kẻ thù trong không gian” – báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo dự đoán, các loại vũ khí chống vệ tinh “phá hoại” của Nga và Trung Quốc có thể sẽ đi vào hoạt động trong  vài năm tới, đặc biệt trong bối cảnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã đưa ra nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý là việc hình thành các đơn vị quân đội  được huấn luyện các hoạt động phản không gian cũng như việc phát triển các tên lửa chống vệ tinh được phóng từ mặt đất. Trong khi đó, cả Mát-xcơ-va và Bắc Kinh trong vài năm gần đây đều tập trung vào việc thiết lập các lực lượng hoạt động được thiết kế để tích hợp các cuộc tấn công vào các hệ thống và dịch vụ không gian bằng các hoạt động quân sự.

Hiện mối quan tâm đặc biệt của Mỹ là Nga và Trung Quốc sẽ phóng các vệ tinh “thực nghiệm” nhằm tiến hành các hoạt động tinh vi trên quỹ đạo, chủ yếu nhằm tăng cường khả năng “phản” không gian. Báo cáo nhận định, nếu một cuộc xung đột tương lai xảy ra có liên quan đến Nga hay Trung Quốc, cả hai nước nếu cần thiết sẽ đưa ra các cuộc tấn công nhằm vào các vệ tinh của Mỹ và đồng minh.

Ngoài Nga và Trung Quốc, báo cáo cũng chỉ ra rằng năng lực ngày càng gia tăng của Iran trong công nghệ tên lửa cũng có thể tạo ra một mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia Mỹ. “Các chương trình tên lửa đạn đạo của Iran đang tạo ra mối đe dọa trên khắp khu vực. Hiện Tehran sở hữu lượng tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông. Mong muốn đối đầu với Washington có thể khiến Tehran dấn thân vào lĩnh vực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)” – báo cáo lo ngại.

TRÍ VĂN (Theo Universe Today, CNBC)

Chia sẻ bài viết