02/10/2024 - 07:49

Nga tăng mạnh chi tiêu quân sự 

Theo dự thảo ngân sách được công bố hôm 30-9, Chính phủ Nga có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 25%, từ mức 115 tỉ USD năm 2024 lên 145 tỉ USD vào năm 2025, một con số chưa từng có kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Binh sĩ Nga trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Reuters

Như vậy, chi tiêu quân sự của Nga sẽ tăng gần 3 lần kể từ khi Mát-xcơ-va phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi năm 2022, thời điểm Nga chỉ chi 59 tỉ USD cho quốc phòng, qua đó báo hiệu quyết tâm tiếp tục phân bổ nguồn lực lớn cho cuộc xung đột.

Ngân sách quốc phòng sẽ chiếm 32% trong tổng ngân sách trị giá 446 tỉ USD trong năm tới của Nga. “Các nguồn lực sẽ được phân bổ để trang bị cho lực lượng vũ trang các loại vũ khí và thiết bị quân sự cần thiết, trả lương cho quân nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng” - Bộ Tài chính Nga trong một tuyên bố cho biết. Theo bộ này, khoảng 10% trong tổng mức chi tiêu quốc phòng năm 2025 sẽ dành để thanh toán cho quân nhân. Được biết, mức lương tối thiểu dành cho binh sĩ trong năm đầu phục vụ ở tuyến đầu là 34.945USD.

Phát biểu với tờ Thời báo New York (Mỹ), Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Chúng ta đang đến thời điểm mà đại bác trở nên quan trọng hơn bơ. Ưu tiên chính là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, việc khôi phục kho vũ khí cũng như tăng cường tiềm lực quân sự của đất nước”.

Nga hồi năm 2023 đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu quân sự khoảng 21% vào năm 2025 nhưng trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài, Mát-xcơ-va buộc phải thay đổi kế hoạch và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng chi tiêu. Sau hơn 31 tháng chiến sự nổ ra, Nga cũng đang tăng tốc tuyển dụng, huấn luyện quân nhân cũng như thay thế các loại vũ khí và thiết bị. Hôm 30-9, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh nhập ngũ thường kỳ, kêu gọi 133.000 công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trước đó, nhà lãnh đạo xứ bạch dương còn ra lệnh tăng quy mô lực lượng quân sự thường trực của Nga thêm 180.000 người, lên mức 1,5 triệu người. Song, giới phân tích cho rằng Mát-xcơ-va khó có thể đạt được quy mô đó.

Trong nỗ lực thu hút tân binh, Nga hồi tháng 7 tuyên bố thưởng 4.300USD cho những ai đăng ký đi lính. Còn hồi mùa hè năm nay, trên khắp thủ đô Mát-xcơ-va, người ta nhìn thấy nhiều áp phích nói rằng trung bình một tân binh sẽ nhận được gần 56.000USD sau một năm phục vụ tại Ukraine, gấp nhiều lần so với mức lương trung bình 880USD/tháng ở Nga.

Việc Nga đầu tư ồ ạt vào quân đội khiến các nhà hoạch định chiến tranh châu Âu lo ngại. Họ cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã đánh giá thấp khả năng duy trì chiến tranh lâu dài của Nga.

Trong khi đó, Quốc hội Ukraine mới đây đã quyết định sửa đổi ngân sách năm 2024 với việc tăng chi tiêu quốc phòng thêm 12 tỉ USD. Tổng ngân sách quốc phòng năm nay đã tăng lên mức kỷ lục 90 tỉ USD. Năm ngoái, Ukraine chi khoảng 64 tỉ USD, tương đương khoảng 40,5% GDP cho lĩnh vực quốc phòng.

G7 đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận cho Ukraine vay 50 tỉ USD

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận về khoản vay trị giá 50 tỉ USD cho Ukraine vào cuối tháng 10 này. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis xác nhận G7 đang cố gắng đạt được đồng thuận về sáng kiến cho vay muộn nhất vào cuối tháng 10 để các nước thành viên có đủ thời gian triển khai các khoản vay trước khi kết thúc năm. Khoản vay dành cho Ukraine sẽ được trả bằng lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga ở phương Tây. Hiện tại, hơn 60% tài sản của Nga bị đóng băng đang nằm ở EU. Số tài sản này lên tới 210 tỉ euro (khoảng 239 tỉ USD). Vì thế, EU sẽ cung cấp khoản vay 35 tỉ euro cho Ukraine. Cũng theo lời ông Dombrovskis, Canada, Anh và Nhật Bản đã cam kết sẽ tham gia vào kế hoạch trên. Trong khi đó, Mỹ muốn châu Âu đảm bảo rằng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga sẽ luôn có sẵn để trả nợ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết