19/06/2022 - 06:46

Tổng thống Vladimir Putin:

Nga phải bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế 

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17-6 đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2022 (SPIEF 2022) lần thứ 25, trong đó ông nhấn mạnh Mát-xcơ-va phải bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế của mình.

Tổng thống Putin phát biểu tại SPIEF 2022 hôm 17-6. Ảnh: CNN

Được khởi xướng từ năm 1997, SPIEF diễn ra thường niên và được coi là hội nghị đối trọng với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos, Thụy Sĩ.

Bài phát biểu của ông Putin tại SPIEF 2022 bị hoãn hơn 90 phút và được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích là do các hệ thống đường truyền của hội nghị bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Nhóm tin tặc tình nguyện quốc tế có tên gọi “Đội quân IT của Ukraine”, vốn được Bộ Chuyển đổi số Ukraine hậu thuẫn, hồi đầu tuần tuyên bố SPIEF 2022 sẽ là mục tiêu của họ.

Thế giới đơn cực đã kết thúc

Mở đầu bài phát biểu dài hơn 2 tiếng và bị gián đoạn với những tràng pháo tay của các đại biểu, Tổng thống Putin đánh giá rằng tốc độ và khối lượng của các lệnh trừng phạt “táo tợn và điên rồ” của phương Tây chống lại Nga là chưa từng có tiền lệ và phần nhiều được thực hiện một cách “chớp nhoáng”.

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng sau khi tự mình tuyên bố giành thắng lợi trong Chiến tranh lạnh, Mỹ tự nhận là nước thống trị toàn cầu và  đối xử với các nước khác như  những thuộc địa. “Họ sống trong quá khứ theo những ảo tưởng của riêng mình. Họ nghĩ rằng họ đã chiến thắng và sau đó mọi thứ khác chỉ là thuộc địa, sân sau, còn những người sống ở những nơi đó là các công dân hạng hai”, ông Putin mỉa mai Mỹ và nói thêm: “Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã trở thành một thứ cứu rỗi để phương Tây đổ lỗi mọi vấn đề cho Nga”. 

Tổng thống Putin cho rằng Mát-xcơ-va không phải là bên gây ra tình trạng tăng giá trên thị trường ngũ cốc toàn cầu và cáo buộc một số quốc gia phương Tây đẩy giá lương thực lên bằng cách in tiền và “vơ vét” lương thực trên thị trường toàn cầu. Ông khẳng định Nga không can thiệp nguồn cung cấp lương thực từ Ukraine, nhưng cho rằng việc xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia này có thể là một phần của khoản thanh toán cho việc cung cấp vũ khí. Tổng thống Putin chỉ trích phương Tây vì đã đổ lỗi cho cá nhân ông gây ra khó khăn kinh tế và nhấn mạnh hành động của Nga ở Ukraine không liên quan tới tình trạng lạm phát cao ở các nước phát triển.

Đề cập tới Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo Nga cho rằng khối này đã mất đi “chủ quyền chính trị” của mình vì đi theo con đường dẫn tới chủ nghĩa cấp tiến và sự biến đổi của giới tinh hoa, tình trạng lạm phát và bất bình đẳng gia tăng.  Tổng thống Nga cho biết các chính trị gia châu Âu đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của họ khi thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Mát-xcơ-va. Theo ông Putin, những thiệt hại trực tiếp có thể tính được của EU do áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ lên tới 400 tỉ USD. 

Trong khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây được xây dựng dựa trên thực tế là họ không coi Nga là một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, ông cho rằng Washington dường như không nhận ra thực tế là trong những thập kỷ gần đây “các trung tâm quyền lực mới” với hệ thống chính trị, thể chế công và mô hình tăng trưởng kinh tế riêng đã được hình thành và đạt được nhiều thành tựu, qua đó các trung tâm này có quyền được bảo vệ, bảo đảm chủ quyền quốc gia. “Thế giới đơn cực đã kết thúc” và Nga phải đứng lên bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế, bảo vệ quyền phát triển tự do và an ninh của mình, chống lại những giá trị giả và sự suy thoái.

Kỷ nguyên có chủ quyền mới

Theo ông chủ Điện Kremlin, cuộc chiến trừng phạt “chớp nhoáng” của phương Tây đã không thành công, những dự đoán u ám về nền kinh tế Nga đã không trở thành hiện thực, những nỗ lực cô lập và loại bỏ nước này cũng không mang lại kết quả. Tổng thống Putin khẳng định cuộc tấn công kinh tế chống lại nước Nga là con dao hai lưỡi và rằng Mát-xcơ-va sẽ đương đầu với bất kỳ thách thức nào, toàn bộ lịch sử hàng ngàn năm của nước này đã nói lên điều đó. “Ý định của họ rõ ràng là bóp chết nền kinh tế Nga bằng cách phá vỡ chuỗi hậu cần, đóng băng các tài sản quốc gia và tấn công vào mức sống, nhưng họ đã không thành công. Các doanh nhân Nga đã cùng nhau làm việc siêng năng, tận tâm và từng bước một, chúng tôi đang bình thường hóa tình hình kinh tế”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Với khí thế đó, ông Putin kêu gọi các doanh nhân Nga nên tiếp tục đầu tư vào các dự án trong nước, bởi thành công thực sự chỉ đến khi doanh nghiệp gắn kết tương lai của mình với tương lai đất nước. Ông cho biết nhà nước Nga sẽ tuân thủ nguyên tắc tự do kinh doanh, coi đây là nền tảng phát triển lâu dài của đất nước và chỉ ra thực tế là những người gắn kết tương lai của họ với phương Tây đã mất hàng tỉ USD.

Ông nhấn mạnh nền kinh tế Nga sẽ dựa trên sự cởi mở trong quá trình phát triển, sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập và sẽ mở rộng hợp tác với những nước muốn cùng làm việc. Kết luận bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga khẳng định đất nước đang bước vào kỷ nguyên có chủ quyền mới và sẽ tận dụng mọi cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Trước đó, phát biểu tại SPIEF 2022  hôm 16-6, Giám đốc điều hành Herman Gref của Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, dự báo nền kinh tế nước này phải mất 10 năm mới có thể trở lại bằng mức năm 2021 trừ khi chính phủ đưa ra những biện pháp cải cách lớn. Ông dự đoán GDP của Nga năm 2022 giảm 7% và năm 2023 giảm 10,3%. Theo ông Gref, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang nhằm vào 56% kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế Nga.

Trả lời báo chí sau bài phát biểu tại SPIEF 2022, Tổng thống Putin cho biết chính quyền Nga và cá nhân ông không hề chống đối việc Ukraine gia nhập EU, bởi đây không phải là khối quân sự - chính trị như NATO. Dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ cân nhắc việc trao quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 23 và 24-6. Tuy nhiên, việc trao quy chế ứng cử viên là một lẽ và quá trình đàm phán gia nhập sẽ là câu chuyện dài tập.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng bảo vệ quan điểm đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin. Trả lời phỏng vấn Hãng tin DPA ngày 17-6 , Thủ tướng Scholz nêu rõ: “Điều hoàn toàn cần thiết là phải đối thoại với (Tổng thống) Putin. Cũng giống như Tổng thống Pháp, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy”.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết