04/02/2021 - 08:02

Nga gia nhập cuộc đua vaccine toàn cầu 

Theo nghiên cứu công bố hôm 2-2, vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả 91,6%, đồng nghĩa thế giới có thêm vũ khí chống đại dịch COVID-19.

Hơn 2 triệu người trên thế giới đã tiêm vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: Tass

“Tốt” như vaccine phương Tây

Kể từ khi Sputnik V được giới chức Nga phê duyệt hồi tháng 8-2020, hiệu quả của vaccine này bị nghi ngờ do tốc độ phát triển quá nhanh và chưa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phân tích độc lập đăng trên Tạp chí y khoa The Lancet (Anh) chỉ ra rằng tiêm 2 liều vaccine Sputnik V đạt hiệu quả 91,6% đối với các ca mắc COVID-19 có triệu chứng và kết quả này dựa trên dữ liệu từ gần 20.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn ba. Như vậy, Sputnik V là một trong những vaccine hiệu quả hàng đầu, cùng với chế phẩm của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Ðức) và Moderna (Mỹ). Ðây là 3 loại vaccine trên thế giới hiện đạt hiệu quả hơn 90%.

Trước khi có kết quả trên, Mát-xcơ-va đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà cho các công dân từ 18 tuổi trở lên. Ít nhất 15 quốc gia cũng đã phê duyệt Sputnik V, trong đó có Argentina, Hungary, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và con số này dự kiến sẽ là 25 nước vào cuối tuần tới. Hôm 2-2, Cơ quan quản lý y tế Mexico COFEPRIS đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Sputnik V sau khi dữ liệu mới về vaccine Nga được công bố. Ưu điểm của Sputnik V là có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường thay vì điều kiện siêu lạnh như của Pfizer/BioNTech (-700C).

Nhiều nước quan tâm Sputnik V

Cùng ngày, Thủ tướng Ðức Angela Merkel đã bày tỏ sự cởi mở trong việc sử dụng vaccine Sputnik V tại Liên minh châu Âu (EU) nếu được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt. Trên truyền hình, bà Merkel nhấn mạnh mọi loại vaccine đều được hoan nghênh tại khối này, đồng thời ca ngợi “dữ liệu tốt đẹp” liên quan đến Sputnik V. EU đang xảy ra những tranh cãi về chiến dịch tiêm chủng do nguồn vaccine thiếu hụt và tiến trình phân phối bị chậm so với kế hoạch.

Thủ tướng Merkel khẳng định dù gặp nhiều khó khăn về nguồn cung vaccine nhưng Chính phủ Ðức vẫn giữ cam kết tiêm vaccine cho toàn bộ dân chúng vào quý III/2021. Trước mắt, 10 triệu dân Ðức sẽ được tiêm trước cuối tháng 3 tới. Lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chịu sức ép trong việc giải thích tại sao chỉ có 3/100 công dân nước này được tiêm chủng, so với 10 và 15 người lần lượt ở Mỹ và Anh. Ðây cũng có thể là lý do Thủ tướng Merkel lên tiếng cảnh báo những người Ðức không tiêm vaccine có thể đối mặt với các lệnh cấm trong cuộc sống thường nhật. Thăm dò hồi tháng 1-2021 cho thấy 54% người dân nước này sẵn sàng tiêm chủng, tăng 17% so với trước đó hai tháng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một quốc gia với 60-70% dân số tiêm vaccine mới có thể khống chế được đại dịch.

Mỹ nhờ cậy các hiệu thuốc

Theo Ðiều phối viên ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, chương trình phân phối vaccine đến các hiệu thuốc ở Mỹ sẽ bắt đầu triển khai trong tuần tới. Trước mắt, khoảng 6.500 cửa hiệu sẽ nhận tổng cộng 1 triệu liều và sau đó mở rộng hơn. Các cửa hàng dược ở Mỹ có thể tiêm vaccine cho hàng chục triệu người mỗi tháng.

Thêm một tín hiệu lạc quan là trung bình số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày ở Mỹ đã giảm trong 2 tuần qua. Theo dữ liệu từ Ðại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 207.000 ca mắc mới ngày 18-1 nhưng đến ngày 1-2, con số này chỉ khoảng 146.000. Tương tự, số ca tử vong hàng ngày trong cùng kỳ cũng giảm từ 3.239 xuống còn 3.170.

“Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 được báo cáo toàn cầu đã giảm ba tuần liên tiếp. Vẫn còn một số quốc gia ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, song ở cấp độ toàn cầu, đây là một tín hiệu đáng mừng”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 1-2. Ca nhiễm mới được nhận định giảm ở Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, Mexico và Ấn Độ, song đang gia tăng ở Pháp, Brazil, Indonesia và Ý. Đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 104 triệu ca nhiễm COVID-19 với gần 2,3 triệu người chết.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết