Theo các nhà phân tích, chi phí năng lượng cao, nguồn cung năng lượng không ổn định và những thách thức về quản lý đã khiến Ðức trở thành môi trường khó khăn cho đầu tư công nghiệp quy mô lớn. Hậu quả là nhiều công ty lâu đời nhất của Ðức đang thu hẹp quy mô trong nước, chuyển sang đầu tư vào Trung Quốc.
Bên trong một nhà máy của Tập đoàn xe hơi Đức BMW tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Giá điện hiện chiếm khoảng 20% tổng hóa đơn mà người dân Ðức phải chi trả. Giá điện cao đã gây tổn hại đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các công ty Ðức, tác động tiêu cực đến sản lượng kinh tế chung của đất nước.
Nhiều yếu tố gây khó cho doanh nghiệp
Các chính sách năng lượng của Ðức đã đẩy giá điện công nghiệp lên mức cao nhất thế giới, chỉ đứng sau Anh. Thêm vào đó, việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo (như gió và mặt trời), kết hợp với việc loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, đã làm tăng sự phụ thuộc của nước này vào nhập khẩu năng lượng và gây biến động giá nghiêm trọng, cuối cùng gây áp lực cho cả ngành công nghiệp và người nộp thuế.
Sản lượng năng lượng trong nước của Ðức cũng thay đổi, với các nguồn năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 61,5% trong tổng sản lượng năng lượng vào đầu năm 2024. Nhưng sự thay đổi này đã dẫn đến mức tăng 23% trong nhập khẩu điện trong nửa đầu năm 2024. Thực tế đó cho thấy sự phụ thuộc của Ðức vào các nguồn năng lượng nước ngoài để bổ sung cho sản lượng năng lượng tái tạo không ổn định trong nước.
Tuy nhiên, sự thay đổi của nguồn cung năng lượng tái tạo, cùng với giá năng lượng trong nước cao, gây ra rủi ro cho các doanh nghiệp cần nguồn điện ổn định và giá cả phải chăng. Việc Ðức tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng tái tạo cũng được dự đoán sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, khiến các công ty càng không muốn mở rộng trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Ðức đang trợ cấp đáng kể cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chỉ riêng năm 2024, Ðức cung cấp 20 tỉ euro tiền trợ cấp cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Việc chi phí trợ cấp tăng cao làm tăng thêm áp lực tài chính và làm phức tạp các cuộc đàm phán ngân sách.
Ðược biết, mặc dù là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhưng Ðức không tăng trưởng đáng kể trong 2 năm qua. Các nhà kinh tế cũng không kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025, trừ khi một chính phủ mới có thể thực hiện những thay đổi đáng kể một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Quỹ Bertelsmann cho thấy Ðức cần 288.000 lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cư mỗi năm để duy trì phát triển kinh tế. Nếu không có thêm lao động nhập cư, thị trường lao động Ðức sẽ giảm từ 46,4 triệu người hiện tại xuống còn 41,9 triệu vào năm 2040.
Đầu tư vào Trung Quốc tăng mạnh
Môi trường phát triển không bền vững trong nước đang khiến nhiều công ty lớn ở Ðức phải cắt giảm quy mô việc làm tại quê nhà, trong khi mở rộng hoạt động sang Trung Quốc. Ðơn cử, trước nguy cơ cắt giảm tới 30.000 việc làm trong nước, Tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Ðức Volkswagen đã đầu tư 2,5 tỉ euro để mở rộng sản xuất xe điện tại thành phố Hợp Phì (Trung Quốc) và 700 triệu euro vào mối quan hệ đối tác công nghệ xe điện với Xpeng, hãng xe điện thông minh hàng đầu Trung Quốc. Bosch cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm 7.000 việc làm tại Ðức, nhằm tăng cường đầu tư vào lĩnh vực xe điện và xe tự hành của
Trung Quốc.
Bất chấp lời kêu gọi từ về việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các công ty Ðức vẫn tiếp tục lập kỷ lục về mức đầu tư vào cường quốc châu Á này. Chỉ riêng trong nửa đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ðức vào Trung Quốc đã đạt 7,3 tỉ euro, vượt qua tổng số 6,5 tỉ euro của cả năm 2023. Vốn FDI của Ðức chiếm 57% tổng đầu tư của EU vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024, 62% vào năm 2023 và kỷ lục 71% vào năm 2022.
Một số dự án đáng chú ý bao gồm việc hãng xe hơi Ðức BMW không chỉ đầu tư mở rộng sản xuất tại Thẩm Dương (Trung Quốc), mà còn cả năng lực nghiên cứu và phát triển, phù hợp với nhu cầu địa phương. Hãng hóa chất Ðức BASF cũng mở một nhà máy trị giá 10 tỉ euro tại Quảng Ðông.
Mặt khác, các công ty Ðức cũng đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro kinh tế. Các sự kiện bất ngờ như đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn của Kênh đào Suez đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy các công ty bản địa hóa hoạt động của mình trong các thị trường chính, bao gồm thị trường Trung Quốc.
NGUYỆT CÁT (Theo Asia Times, NYT)