|
Đưa tang các giáo sĩ thiệt mạng ở Tripoli
hôm 14-5. Ảnh: AP |
Lần đầu tiên một giáo sĩ Hồi giáo kêu gọi “thánh chiến” chống các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia không kích Libye, trong khi chiến phí đang trở thành gánh nặng cho NATO.
“Thánh chiến” chống NATO
Atiya Ali Amer, một giáo sĩ 25 tuổi may mắn thoát chết trong cuộc không kích của liên quân tại thành phố Brega rạng sáng ngày 13-5, cho biết 3 quả tên lửa đã đánh trúng tòa nhà nơi nhiều giáo sĩ đang ngủ. Theo tuyên bố của Chính phủ Libye, các giáo sĩ thiệt mạng thuộc nhóm sáng kiến hòa bình gồm 150 thủ lĩnh tôn giáo và bộ tộc, đang nghỉ đêm tại nhà khách ở Brega trong lúc trên đường tới thành phố Ajdabiya do phe chống đối kiểm soát ở phía Đông Libye. Chính phủ Libye cho biết có tới 16 người chết, trong đó có 11 giáo sĩ Hồi giáo cùng hơn 50 người bị thương trong vụ ném bom này. Đây là cuộc không kích gây thiệt hại lớn nhất cho dân thường kể từ khi NATO bắt đầu chiến dịch ném bom nhằm ngăn chặn các lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi sát hại người biểu tình chống chính quyền.
Ngày 14-5, những người tham gia chôn cất người thiệt mạng tuyên bố sẽ trả thù NATO. Phát biểu trước hàng trăm người tham gia tang lễ, giáo sĩ Amer đề cập tới NATO như một “tổ chức khủng bố” và tuyên bố “cổng địa ngục đã mở” cho các nước thành viên tổ chức này.
Nặng nề hơn, Nureddin al-Mijrah, một giáo sĩ Hồi giáo khác, còn cho rằng NATO đang “xỉ nhục tôn giáo và đất nước Libye”. Mijrah kêu gọi người Hồi giáo trên thế giới “trả thù cho những người anh em đã chết” bằng cách mỗi người hạ sát 1.000 người của các nước NATO, cũng như Qatar và Arabie Séoudite, hai nước ủng hộ hành động của liên quân.
Đây được xem là tuyên bố đầu tiên từ Libye về một cuộc “thánh chiến” chống những người phản đối chính quyền Gadhafi. Các giáo sĩ khác ở Libye cũng cảnh báo những cuộc không kích của NATO đang gieo rắc sự thù hận phương Tây trong cộng đồng Hồi giáo, vốn trước đây được xem là ôn hòa, ở nước này.
Khó khăn về chiến phí
Khi cuộc xung đột tại Libye bắt đầu, nhiều người dự đoán hoạt động quân sự của liên quân sẽ nhanh chóng ngăn chặn ông Gadhafi sát hại dân thường. Tuy nhiên, hiện nay NATO tuyên bố mục tiêu của họ là phế truất ông Gadhafi, báo hiệu cuộc chiến còn kéo dài. Cuộc xung đột này đang đặt ra vấn đề là hoạt động quân sự của NATO sẽ tiêu tốn bao nhiêu?
Ngày 12-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết đến nay nước này đã chi 750 triệu USD cho các hoạt động quân sự tại Libye. Ông Gates thừa nhận quân đội Mỹ không có khoản ngân sách riêng cho hoạt động trên và hiện nay Lầu Năm Góc đang tìm kiếm nguồn tài chính.
Chỉ có 14 trong số 28 thành viên NATO tham gia cuộc chiến ở Libye. Sự đóng góp của một số nước bên ngoài như Qatar và Arabie Séoudite là rất nhỏ. Trong một cuộc họp hồi tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy ủng hộ sứ mệnh lật đổ ông Gadhafi, nhưng từ chối để quân đội Đức tham gia chiến dịch tại Libye. Đức là nước đóng góp lớn thứ hai cho NATO, vì vậy, sự thờ ơ của Berlin đang đặt gánh nặng lên vai Washington cả về quân sự và tài chính. Bởi vì hiện nay, dù Pháp và Anh đang dẫn đầu liên quân, nhưng các vấn đề nội bộ như siết chặt chi tiêu công, trong đó có ngân sách dành cho quốc phòng, khiến Paris và Luân Đôn gặp nhiều khó khăn. Nhiều báo cáo gần đây cho thấy Mỹ dường như sẽ trở lại chiến dịch không kích ở Libye khi các đồng minh đang “cạn” dần vũ khí.
N. MINH
(Theo Guardian, WSJ, Fiscal Times)