28/03/2023 - 06:31

NATO, EU lo ngại kế hoạch hạt nhân chiến thuật của Nga 

HẠNH NGUYÊN

Ngày 26-3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thanh lên án việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào mùa hè này.

Hệ thống tên lửa Iskander-E của Nga. Ảnh: Getty Images

Hệ thống tên lửa Iskander-E của Nga. Ảnh: Getty Images

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Russia-1 hôm 25-3, Tổng thống Putin đã hé lộ những chi tiết mới trong kế hoạch mà ông đề xuất hồi năm ngoái là bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, quốc gia láng giềng và là đồng minh thân cận của Nga. Theo ông Putin, 10 máy bay chiến đấu của Belarus đã được chuyển đổi công năng để có thể mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật Nga và một kho dự trữ đầu đạn tại nước láng giềng sẽ sẵn sàng vào ngày 1-7. Chương trình huấn luyện phi công lái số máy bay trên dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng tới.

“Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Từ lâu họ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các đồng minh”, Tổng thống Putin nhấn mạnh khi công bố kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Tuy nhiên, người phát ngôn NATO Oana Lungescu đã bác bỏ cách so sánh trên của chủ nhân Điện Kremlin, đồng thời khẳng định các đồng minh NATO luôn thực thi cam kết quốc tế liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga khiến NATO phải điều chỉnh chính mình”, bà Lungescu nói ngày 26-3. Tuy nhiên, phát ngôn viên này gọi quyết định đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.

Trong khi đó, Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, thúc giục Belarus không chứa vũ khí hạt nhân Nga và cảnh báo Minsk có thể đối mặt các lệnh cấm vận gia tăng nếu nhất quyết hợp tác với Mát-xcơ-va. Litva tuyên bố sẽ kêu gọi đưa thêm các biện pháp trừng phạt Nga và Belarus vào gói biện pháp đang được thảo luận tại Brussels, Bỉ.

Cùng ngày, Ukraine kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc để phản ứng với bước đi mới của Nga. Về vấn đề này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby lại tỏ ra thận trọng khi cho biết Washington chưa ghi nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang di chuyển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin đã liên tục nêu ý định sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2-2022. Belarus có biên giới chung với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Mát-xcơ-va sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine.

Theo tờ New York Times, Nga có 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, dạng vũ khí được sử dụng nhằm đạt được mục tiêu cụ thể trên chiến trường và có sức công phá thấp hơn loại vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được thiết kế để phá hủy cấp độ các thành phố lớn trở lên. Vũ khí hạt nhân chiến thuật - chưa từng được sử dụng trong xung đột - có thể được triển khai bằng nhiều cách, bao gồm tên lửa hoặc đạn pháo. Ông Putin nói Nga đã chuyển giao hệ thống tên lửa Iskander tầm ngắn đến Belarus. Iskander là loại tên lửa có thể được lắp đầu đạn thường lẫn hạt nhân.

Việc đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ giữa thập niên 1990 Nga bố trí các khí tài này bên ngoài đất nước. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, vũ khí hạt nhân đã được triển khai tại 4 quốc gia mới giành độc lập là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Đến tháng 5-1992, 4 nước này nhất trí rằng tất cả số vũ khí trên phải được đặt tại Nga và quá trình chuyển giao đầu đạn từ Ukraine, Belarus và Kazakhstan sang Nga hoàn tất vào năm 1996.
Chia sẻ bài viết