03/10/2021 - 19:55

NATO đau đầu với Thổ Nhĩ Kỳ 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang cân nhắc có thêm các hành động hợp tác với Nga về công nghiệp quốc phòng và công nghệ hạt nhân, làm dấy lên viễn cảnh một cuộc chia tay chưa từng có trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) gặp người đồng cấp Nga Putin tại thành phố Sochi hôm 29-9. Ảnh: Reuters

Trên chuyến bay trở về nước sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ dưỡng ở Sochi bên bờ Biển Ðen ngày 29-9, Tổng thống Erdogan tiết lộ với báo giới rằng ông đã đề xuất hợp tác với Nga về việc xây dựng thêm 2 lò phản ứng hạt nhân, giữa lúc Mát-xcơ-va đang giúp phát triển lò phản ứng hạt nhân Akkuyu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2023).

Một số lĩnh vực khác mà ông Erdogan xem xét hợp tác với Nga gồm chế tạo động cơ phản lực, máy bay tiêm kích và đóng tàu ngầm. Phía Nga thì đề nghị hai bên phát triển các nền tảng trên biển, trên đất liền để thực hiện những vụ phóng rocket vào không gian. Tuần rồi, ông Erdogan khẳng định Ankara sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ hai của Nga, khiến Mỹ lên tiếng cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mới.

Đào sâu chia rẽ

Những dự án trên sẽ đẩy ông Erdogan vào một cuộc xung đột khác với Ðạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). CAATSA ra đời nhằm ngăn cản hoạt động làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng Nga bằng cách áp đặt lệnh cấm vận lên những nước thực hiện “những giao dịch lớn” với các công ty ở xứ bạch dương.

Hồi cuối năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi hơn 2,5 tỉ USD để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và Mát-xcơ-va đã hoàn tất quá trình bàn giao hệ thống cho Ankara vào đầu năm 2020. Xung quanh thương vụ này, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng hệ thống S-400 và việc Mát-xcơ-va đưa chuyên gia đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây hại cho NATO. Washington lo ngại các chuyên gia Nga có thể nghiên cứu chiến đấu cơ F-35 và xóa bỏ ưu thế của tiêm kích tàng hình này. Ðáp lại, ông Edrogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tìm đến hệ thống phòng thủ của Nga sau khi không thể đặt mua lá chắn tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất. Ankara còn lập luận rằng những thành phần của S-400 có thể được sử dụng độc lập mà không cần tích hợp vào các hệ thống của NATO nên không gây rủi ro.

Không hài lòng với cách giải thích trên, Washington từ chối giao máy bay F-35 cho Ankara theo thỏa thuận đã ký và đến tháng 12-2020, Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt ban lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đến nay ông Erdogan vẫn duy trì lập trường cứng rắn. “Trong tương lai, không ai có thể can thiệp vào việc mua hệ thống phòng thủ của chúng tôi. Chúng tôi là bên duy nhất đưa ra quyết định”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ trong cuộc phỏng vấn với Ðài CBS News mới đây. Tổng thống Erdogan cũng nhận định chiều hướng của mối quan hệ giữa hai đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ trong NATO hiện “không có nhiều triển vọng”.

“Hồi chuông cảnh tỉnh” cho Mỹ

Kể từ vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga ở biên giới phía Nam giáp với Syria năm 2015, ông Erdogan đã thận trọng xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Putin. Họ nhiều lần gặp nhau trực tiếp trong một năm, bất chấp điều đó ảnh hưởng đến liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO (gia nhập năm 1952) và là nơi liên minh này đặt hàng loạt căn cứ quân sự thiết yếu. Ankara cũng là đối tác trong “cuộc chiến chống khủng bố” và tuyến phòng thủ chống lại các mối đe dọa ở Trung Ðông của Washington.

Theo Galip Dalay tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, đối với Washington, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga không đơn giản chỉ là một thương vụ vũ khí, mà nó được coi như dấu hiệu chuyển dịch về phương Ðông, xích lại gần Nga và Trung Quốc. “Mức độ hợp tác song phương mà ông Erdogan vừa đề cập là sự hợp tác chiến lược giữa không chỉ hai quốc gia mà còn là giữa hai đồng minh”, cựu nghị sĩ đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Aykan Erdemir nhận định về cái “bắt tay” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Theo Erdemir, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đóng “vai trò quấy rối” trong NATO và tạo thêm cơ hội cho chủ nhân Ðiện Kremlin làm xói mòn liên minh xuyên Ðại Tây Dương và giá trị của khối quân sự này.

Tổng thống Erdogan hôm 30-9 cho biết, có thể trong cuộc gặp Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome (Ý) trong tháng 10 này, ông sẽ trực tiếp yêu cầu Mỹ giao máy bay F-35 hoặc hoàn trả 1,4 tỉ USD mà Ankara đã thanh toán. Phát biểu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Erdogan bị chủ nhân Nhà Trắng từ chối gặp song phương bên lề phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở Mỹ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Washington Examiner, NY Times)

Chia sẻ bài viết