09/07/2011 - 09:12

Nam Sudan chính thức trở thành quốc gia độc lập

Người dân Nam Sudan đang thể hiện nghi thức ăn mừng tại Thủ đô Juba. Ảnh: New York Times.

Hôm nay 9-7, miền Nam Sudan sẽ chính thức trở thành quốc gia độc lập sau 6 tháng tách ra từ Cộng hòa Sudan. Với thủ đô là Juba, Cộng hòa Nam Sudan sẽ là quốc gia thứ 193 trên thế giới và thứ 54 ở châu Phi. Trong không khí độc lập, người dân nước này tổ chức xuống đường ăn mừng và hát vang bài quốc ca, lá cờ tung bay khắp nơi.

Giới phân tích cho rằng việc Nam Sudan trở thành một quốc gia độc lập là kết quả tất yếu của cuộc xung đột kéo dài hơn 5 thập niên giữa hai miền. Từ năm 1955, sau khi giành lại độc lập từ đế quốc Anh, cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam Sudan diễn ra không ngơi nghỉ với gần 10 nhóm quân nổi dậy chính. Nguyên nhân xung đột chủ yếu xoay quanh vấn đề tôn giáo và sắc tộc. Cư dân miền Nam theo đạo Thiên Chúa trong khi cư dân miền Bắc lại theo đạo Hồi. Kết quả là hàng triệu người đã thiệt mạng, phần vì bạo lực phần vì nghèo đói. Chỉ riêng năm nay, số người thiệt mạng đã là hơn 2.300 người, chủ yếu bị giết bởi các lực lượng nổi dậy. Trong vòng 6 năm trở lại đây, chính quyền Nam Sudan đã tự điều hành khu vực, ban hành chính sách riêng, tiến hành kiểm soát khu vực biên giới và mời gọi đầu tư nước ngoài.

Trước nhu cầu muốn tách khỏi miền Bắc của người dân nhằm chấm dứt xung đột, tháng Giêng năm nay chính quyền Nam Sudan đã tổ chức trưng cầu dân ý trên toàn khu vực này. Kết quả là hơn 90% phiếu tán thành việc thành lập nhà nước CH Nam Sudan.

Tuy nhiên, là một quốc gia mới khai sinh, CH Nam Sudan đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, kể cả nguy cơ bị sụp đổ. Hiện tại, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang cân nhắc để gửi đến đây 7.000 nhân viên gìn giữ hòa bình. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là bảo vệ người dân Nam Sudan trước các đe dọa bạo lực, đồng thời giúp củng cố lực lượng cảnh sát và quân đội còn non yếu. Thực tế, khu vực Abyei vẫn còn là nơi tranh chấp giữa Nam và Bắc Sudan nên có nguy cơ cuộc chiến vẫn chưa thể chấm dứt.

Song song đó, đói nghèo cũng là thử thách to lớn đối với quốc gia 8 triệu dân này. Thực tế, hơn 3 triệu người - tương đương 40% dân số – đang cần nguồn cung cấp lương thực khẩn cấp để duy trì sự sống. Đa số người dân sống dưới mức 1 USD/ngày. Khoảng ¾ dân số không biết đọc, biết viết và chỉ 1% số hộ gia đình nơi đây sở hữu tài khoản ngân hàng. Những yếu tố trên khiến Nam Sudan được xếp vào vị trí thấp nhất trong nhóm các nước đang phát triển của thế giới.

Dù vậy, bên cạnh những khó khăn thì Sudan vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển. So với Bắc Sudan, Nam Sudan có lợi thế là sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn. Trung bình, mỗi ngày Nam Sudan sản xuất ra khoảng 375.000 thùng dầu. Ngoài ra, đất nước này còn có một diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân.

BẢO TRÂM
(Theo NY Times, Washington Post, Telegraph)

Người dân Nam Sudan đang thể hiện nghi thức ăn mừng tại Thủ đô Juba. Ảnh: New York Times.

Chia sẻ bài viết