20/06/2008 - 07:35

Nam Mỹ tăng cường liên kết khu vực

Các nhà lãnh đạo Nam Mỹ thể hiện quyết tâm hội nhập. Ảnh: Reuters

12 quốc gia gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Guyana, Paraguay, Peru, Suriname, Uruguay và Venezuela mới đây đã chính thức ký kết hiệp ước thành lập Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Phương Tây cho rằng đó là một hiệp ước miễn cưỡng vì giữa các nước trong khu vực vẫn tồn tại nhiều bất đồng có thể dẫn đến xung đột. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, sau 4 năm đàm phán, các nước Nam Mỹ đã nhất trí chấp nhận liên kết trong khác biệt.

Mục tiêu của UNASUR là “xây dựng bản sắc Nam Mỹ”, đồng thời phát triển một không gian hội nhập trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, năng lượng và kết cấu hạ tầng. UNASUR chủ trương xây dựng một thế giới đa cực, phi vũ khí hạt nhân và cùng giải quyết các vấn đề của khu vực như nghèo đói, thất nghiệp và bất công xã hội. Hiệp ước thành lập UNASUR cũng đề ra mục tiêu tham vọng là đi tới sáp nhập Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR, gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay) và Cộng đồng các quốc gia Andes (CAN, gồm Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru). Riêng kế hoạch thành lập Hội đồng phòng thủ khu vực chưa được thống nhất vì sự phản đối của Colombia.

Các nhà phân tích cho rằng UNASUR dựa theo mô hình hoạt động của Liên minh châu Âu (EU). Cái khác là trong khi EU bắt đầu tiến trình hội nhập bằng ngành than và thép, còn UNASUR dựa trên sự hợp tác năng lượng và kết cấu hạ tầng. Hiện tại, Sáng kiến vì sự hội nhập kết cấu hạ tầng khu vực Nam Mỹ (IIRSA) đã xác định hơn 500 dự án trên các lĩnh vực giao thông, năng lượng và viễn thông trị giá 68 tỉ USD nhằm kết nối các nước Nam Mỹ với nhau. Ngân hàng Phương Nam, được thành lập cuối năm 2007 với số vốn ban đầu 7 tỉ USD, sẽ cung cấp tài chính cho các dự án đó. UNASUR có tổng dân số khoảng 390 triệu người với GDP năm 2006 là 2.500 tỉ USD. Kim ngạch thương mại nội vùng năm 2006 đạt hơn 72 tỉ USD. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình hồi năm ngoái đạt 5,7%, chủ yếu nhờ thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 106 tỉ USD.

Các quyết định của UNASUR dựa trên sự đồng thuận của Hội đồng các nguyên thủ quốc gia (họp ít nhất 1 lần/năm) hoặc của Hội đồng các bộ trưởng ngoại giao (họp ít nhất 2 lần/năm). Trụ sở của UNASUR đặt tại Thủ đô Quito của Ecuador và chủ tịch luân phiên đầu tiên nhiệm kỳ một năm là Tổng thống Chile Michelle Bachelet. Một nghị viện của UNASUR dự kiến cũng sẽ được thành lập đặt tại Cochabamba (Bolivia).

Theo các nhà phân tích, UNASUR sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giữa các nước trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện mở rộng hợp tác cũng như cùng đương đầu với các thách thức từ bên ngoài. Cùng với việc phe cánh tả đang thắng thế ở Nam Mỹ, UNASUR chắc chắn sẽ gây khó khăn cho tham vọng khống chế khu vực này của các thế lực bá quyền.

PHÚC NGUYÊN

(Theo Le Monde, Pravda, Pr-Side)

Chia sẻ bài viết