24/12/2007 - 09:01

Năm 2007: Năm bản lề của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

(TTXVN) - Có thể nói năm 2007 là một năm khá thành công của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống sự biến đổi khí hậu. Với nhận thức khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, các hội nghị quốc tế cấp cao trong năm 2007 đều đặt vấn đề biến đổi khí hậu làm chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Điển hình là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) họp tại Berlin (Đức) hồi tháng 6; Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York và Hội nghị APEC tại Sydney hồi tháng 9; Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Singapore và Hội nghị các nước thuộc Khối thịnh vượng chung tại Uganda hồi tháng 11 và mới đây nhất là Hội nghị về khí hậu tại Bali (Indonesia) đều thảo luận về các biện pháp và kế hoạch hành động để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu trong tương lai.

Thông qua các cuộc đàm phán và hội nghị, nhiều nước đã đạt được sự đồng thuận chung, thỏa thuận rằng các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đều được tiến hành theo khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, luôn gắn vấn đề biến đổi khí hậu với sự phát triển công nghệ, đầu tư ngân sách cũng là yếu tố chính ưu tiên cho vấn đề này.

Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển và cả giữa các nước phát triển, sau hai tuần, Hội nghị về khí hậu tại Indonesia kết thúc ngày 15-12 đã thông qua “Lộ trình Bali”, theo đó đưa ra một chương trình nghị sự rõ ràng về những vấn đề chủ chốt sẽ được bàn tới từ nay đến năm 2009, trong đó bao gồm các kế hoạch hành động đối phó với những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu, những giải pháp nhằm phát triển công nghệ mới thân thiện với môi trường, gắn vấn đề tài chính với các biện pháp giảm nhẹ thiên tai. Thành công nhất của “Lộ trình Bali” là các nước nhất trí hạn mức cắt giảm 25-40% từ nay đến năm 2020 (so với mức của năm 1990) mà các nhà khoa học đã đưa ra. Cũng theo lộ trình này, tiến trình đàm phán được kéo dài nhiều nhất là 2 năm và phải hoàn thành vào năm 2009 để có đủ thời gian triển khai thực hiện vào cuối năm 2012, khi Nghị định thư Kyoto (về cắt giảm khí thải nhà kính) hết hiệu lực.

Chia sẻ bài viết