01/09/2009 - 09:56

Myanmar vãn hồi trật tự ở Kokang

Người tị nạn Myanmar tại tỉnh Vân Nam bắt đầu hồi hương.
Ảnh: AFP

Ngày 30-8, Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar phát thông báo của chính phủ nước này khẳng định tình hình vùng Kokang thuộc bang Shan ở khu vực Đông Bắc đã “trở lại bình thường”.

Thông báo cũng cho biết chính phủ Myanmar đã thành lập Ủy ban chỉ đạo lâm thời vùng Kokang để giúp chính quyền địa phương hoạt động bình thường trở lại. Cũng theo thông báo, hàng chục ngàn người Myanmar chạy sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lánh nạn sau khi bùng phát giao tranh hồi tuần trước giữa các binh sĩ chính phủ và các tay súng chống đối ở Kokang đã bắt đầu trở về nhà.

Theo thống kê của Ủy ban lâm thời vùng Kokang, cuộc giao tranh vừa qua khiến 26 binh sĩ và cảnh sát thiệt mạng và 47 người khác bị thương, trong khi 8 tay súng chống đối bị tiêu diệt. Lực lượng của chính phủ đã thu giữ 640 vũ khí lớn nhỏ.

Các tay súng nổi loạn ở Kokang nằm trong thành phần Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) được thành lập năm 1989. Kokang là khu vực tự trị về hành chính, có diện tích trên 10.000 cây số vuông, dân số khoảng 150.000 người, chủ yếu là người gốc Hán nói tiếng Hoa. Khu vực này từng bị chính phủ Myanmar cảnh báo là thiên đường của các hoạt động buôn lậu, kinh doanh thuốc phiện, các đường dây cờ bạc và mại dâm. Vì thế, từ năm 2008, chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu các nhóm vũ trang của MNDAA tham gia lực lượng biên phòng giữ gìn an ninh vùng biên giới giáp Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các binh sĩ MNDAA đều từ chối, cho rằng đây là âm mưu của chính phủ nhằm “giải giáp” và “vô hiệu hóa” cuộc đấu tranh giành quyền tự trị của họ. Sự ngờ vực của họ càng gia tăng khi ngày 8-8 vừa qua, quân đội Myanmar bố ráp một nhà máy chế tạo vũ khí vì bị tình nghi sản xuất thuốc phiện. Nhà riêng của ông Pheung Kya-shin, lãnh đạo vùng Kokang, cũng bị khám xét. Được sự hỗ trợ của các thủ lĩnh ở Kokang đã quy phục chính phủ, quân đội Myanmar ngày 24-8 tiến vào kiểm soát thủ phủ Laukhai mà không tốn một viên đạn nào. Cuộc chiến chỉ bắt đầu sau khi MNDAA nổ súng vào ngày 27-8.

Sau mấy ngày giao chiến, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, khoảng một nửa trong số 1.500 tay súng nổi loạn đã chạy qua biên giới và nộp vũ khí đầu hàng lực lượng an ninh của Trung Quốc. Số ở lại thì từ bỏ quân trang giả dạng dân thường.

Có thể nói, tình trạng bất ổn tại Kokang đã được giải quyết xong và khó có khả năng xảy ra nội chiến như một số cảnh báo từ phương Tây.

PHÚC GIA AN
(Theo Nytimes, Xinhua, AFP, Wikipedia)

Người tị nạn Myanmar tại tỉnh Vân Nam bắt đầu hồi hương. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết