16/04/2023 - 21:18

Mỹ - Trung trong cuộc chiến giành khoáng sản xanh ở châu Phi 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ở châu Phi giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, “trận chiến” lớn tiếp theo giữa 2 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang hình thành, đó là giành quyền kiểm soát nguồn cung khoáng sản thiết yếu khổng lồ của lục địa đen, vốn được sử dụng trong các thiết bị điện tử và pin xe điện.

Mỏ Kabanga, nơi Tanzania đang xây dựng một cơ sở xử lý khoáng sản quan trọng với sự hậu thuẫn của Mỹ. Ảnh: SCMP

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Tanzania đang xây dựng một cơ sở xử lý khoáng sản quan trọng ở mỏ Kabanga, phía Tây Bắc nước này. Tại cuộc gặp với Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan trong khuôn khổ chuyến công du châu Phi kéo dài một tuần mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết nhà máy sẽ cung cấp niken cấp độ pin cho Mỹ và thị trường toàn cầu vào năm 2026. “Ðiều quan trọng là khoáng sản thô sẽ sớm được xử lý ở Tanzania bởi chính người dân bản địa. Nhà máy này sẽ góp phần giải quyết tình trạng khủng hoảng khí hậu, xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững đồng thời tạo ra các ngành công nghiệp và việc làm mới” - bà Harris nói. Mỏ Kabanga được cho chứa 44 triệu tấn niken, đồng và coban.

Nhà Trắng trong một tuyên bố cho biết, thỏa thuận trên được thực hiện thông qua Hiệp định Ðối tác về Cơ sở hạ tầng và Ðầu tư Toàn cầu trị giá 600 tỉ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) công bố hồi tháng 6 năm ngoái với mục tiêu chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước đang phát triển. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Washington đã tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Lifezone Metals, chủ sở hữu mỏ Kabanga, và TechMet, công ty xử lý kim loại do Chính phủ Mỹ sở hữu một phần thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế. SCMP cho hay, Lifezone Metals, một công ty phát triển nguyên liệu thô cho pin xe điện, mua lại Kabanga vào năm 2021 sau khi chính quyền cựu Tổng thống Tanzania John Magufuli hồi năm 2018 thu hồi giấy phép của Barrick Gold (Canada) và Glencore (Thụy Sĩ), chủ cũ của Kabanga.

Thỏa thuận khai thác Kabanga giữa Lifezone Metals và Tanzania được ký kết sau khi hồi năm ngoái Mỹ ký biên bản ghi nhớ với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Zambia nhằm giúp Washington thiết lập chuỗi cung ứng mới cho pin xe điện, cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên quan trọng. Ðược biết, Bắc Kinh kiểm soát hầu hết thị trường xử lý và tinh chế coban, lithium, niken, mangan, than chì, đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác vốn được sử dụng trong các tấm pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió, pin xe điện, vũ khí quân sự và giữ vai trò thiết yếu cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của thế giới. Christian-Géraud Neema, trợ lý cấp cao Chương trình châu Phi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết thỏa thuận với DRC và Zambia báo trước sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ. Trong một bài bình luận gần đây của CSIS, ông Neema nói rằng thỏa thuận được ký hồi tháng 12 năm ngoái này “báo hiệu sự sẵn sàng hành động của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng nhiều càng tốt”.

Thỏa thuận trên được Mỹ ký kết một phần là bởi DRC hiện không những là nhà sản xuất coban lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% sản lượng coban toàn cầu, mà còn giàu kim cương, vàng, đồng, thiếc, tantali và lithium, đồng thời là nhà sản xuất đồng lớn nhất ở châu Phi. Trong khi đó, Zambia rất giàu đồng và coban. Ðến nay, các công ty Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư vào cả 2 nước này. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn xâm nhập vào Zimbabwe, nơi được ước tính sở hữu trữ lượng lithium chưa được khai thác lớn nhất châu Phi. Ðây là loại nguyên liệu thô chính trong pin xe điện. Năm ngoái, Harare đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu loại kim loại này ở dạng chưa qua xử lý. Ðộng thái này là một phần trong nỗ lực của Zimbabwe nhằm xử lý lithium tại địa phương dù các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm sẽ chỉ có lợi cho các công ty đang hoạt động ở đó, chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo SCMP, 3 công ty Trung Quốc, gồm Zhejiang Huayou Cobalt, Sinomine Resource Group và Chengxin Lithium Group, gần đây đã mua lại các mỏ lithium ở Zimbabwe trị giá tổng cộng 679 triệu USD.

Chia sẻ bài viết