Hội nghị Diễn đàn các quần đảo Tây Thái Bình Dương thường niên từ ngày 27-8 năm nay diễn ra tại Quần đảo Cook nhỏ bé nhưng thu hút sự quan tâm lớn của Mỹ qua sự hiện diện lần đầu tiên của Ngoại trưởng Hillary Clinton.
|
Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị Tây Thái Bình Dương hồi năm 2010. Ảnh: AFP |
Diễn đàn các quần đảo Tây Thái Bình Dương có 14 quốc đảo và quần đảo trực thuộc cùng hai nước lớn trong khu vực là Úc và New Zealand. Là một cường quốc khu vực, Úc nắm vai trò thống trị về kinh tế và đóng góp hơn 50% các quỹ viện trợ phát triển cho các quốc đảo, quần đảo bé nhỏ tại đây. Để giảm sự phụ thuộc vào Canberra, các quốc đảo, quần đảo Tây Thái Bình Dương từ nhiều năm nay cũng đã mở cửa đón nhận các cường quốc bên ngoài, trong đó đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay, vai trò ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh tại đây hiện hữu trên nhiều lĩnh vực, nhất là qua các hoạt động tài trợ. Rất khó biết chính xác bất kỳ chương trình viện trợ nào của Trung Quốc do nước này không công khai đầy đủ thông tin, nhưng một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy của Úc năm 2011 đánh giá “các khoản cho vay mềm” (không lãi suất dài hạn) của Trung Quốc tại đây đã tăng từ 23 triệu USD năm 2005 lên hơn 183 triệu USD năm 2009. Bên cạnh mối quan hệ viện trợ, giao thương của Trung Quốc với các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Tây Thái Bình Dương trong 10 năm qua tăng rất nhanh, trung bình lên gấp 7 lần.
Siêu cường Mỹ nếu tính ra cũng là nhà tài trợ lớn thứ hai, sau Úc và trên Trung Quốc cho Tây Thái Bình Dương, nhưng lại quá khiêm tốn so với khả năng và tham vọng của mình. Trên bình diện chung của Thái Bình Dương, Mỹ có các vùng lãnh thổ riêng như Guam, Northern Marianas, Hawaii và American Samoa, đồng thời có mối quan hệ gần gũi với các quần đảo Palau, Micronesia và Marshall. Nhưng ngoài Amarican Samoa ra, tất cả các quần đảo này đều thuộc Bắc và Trung Thái Bình Dương, trong khi Tây Thái Bình Dương ít nhận được sự quan tâm của Washington trong nhiều năm qua. Vì vậy, theo Annmaree OKeeffe, một chuyên gia Thái Bình Dương của Viện Lowy, nước Mỹ giờ đây đang tái tập trung vào khu vực phía Tây như là một phần trong chiến lược ngoại giao-quân sự hướng đến châu Á-Thái Bình Dương, nơi đóng vai trò động lực then chốt trong nền kinh tế toàn cầu.
Sự quan tâm của Mỹ đối với Tây Thái Bình Dương đã bắt đầu thể hiện hồi năm ngoái khi họ cử phái đoàn ngoại giao hùng hậu gồm 50 người đến tham gia diễn đàn khu vực. Năm nay, sự có mặt lần đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ mang ý nghĩa lớn hơn. Theo Michael Powles, nhà cựu ngoại giao-chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Wellington (New Zealand), sự hiện diện của cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng là một thông điệp mạnh mẽ gởi đến Trung Quốc rằng Mỹ đang có ý định quay trở lại khu vực vốn từng là nơi nằm trong hệ thống radar giám sát quân sự của Lầu Năm Góc. Ông Powles cho rằng Bắc Kinh nghi ngờ khả năng Washington muốn nối lại quan hệ ngoại giao với các quốc gia, quần đảo nghèo khó và không có nhiều lợi ích chiến lược trọng yếu này, nhưng sự quan ngại chủ yếu của Trung Quốc là việc Lầu Năm Góc có thể xúc tiến các thỏa thuận hợp tác quân sự tại đây. Cả Úc và New Zealand đều là đồng minh của Mỹ, nên sự tăng cường hiện diện quân sự nếu muốn của Lầu Năm Góc tại Tây Thái Bình Dương là điều không quá khó.
KIẾN HÒA (Theo AFP, The Australian, The Interpreter)