05/06/2018 - 07:55

Mỹ-Trung bên bờ chiến tranh thương mại 

Nhật báo Phố Wall (WSJ) trích nhận định của giới phân tích cảnh báo, Mỹ và Trung Quốc ngày càng tiến gần tới nguy cơ chiến tranh thương mại thông qua việc áp đặt thuế suất mới trong bối cảnh hai bên không đạt được tiến bộ nào sau vòng đàm phán mới nhất.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Irish Times
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Irish Times

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau trị giá đến 150 tỉ USD mỗi bên. Sau vòng đàm phán hồi tháng rồi tại Washington, hai bên nhất trí hoãn áp thuế với tuyên bố đạt được đồng thuận sơ bộ. Trong đó, Bắc Kinh cam kết “tăng đáng kể” nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại trị giá hơn 300 tỉ USD/năm của Mỹ với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục “nóng” trở lại sau khi Nhà Trắng công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 50 tỉ USD sẽ bị áp mức thuế 25% vào ngày 15-6 tới. Washington cũng tiếp tục theo đuổi vụ kiện chống Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Động thái này được đưa ra giữa lúc Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh đưa ra con số cụ thể trong cam kết tăng nhập khẩu từ Mỹ. Nhiệm vụ của ông Ross trở nên khó khăn hơn khi các quan chức Bắc Kinh từ chối bất kỳ giao dịch bổ sung nào mà không đạt được thỏa thuận giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn. “Trước khi cam kết bất cứ điều gì, Trung Quốc muốn đảm bảo Mỹ sẽ không thực thi những đe dọa về thuế quan” - WSJ trích một nguồn tin cho biết.

Theo WSJ, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung kết thúc hôm 3-6 mà không đưa ra tuyên bố chung hay đề cập bất kỳ thỏa thuận nào. Một tuyên bố ngắn gọn cùng ngày từ Tân Hoa xã chỉ cho biết hai bên đã đạt được “tiến bộ cụ thể” trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Tuyên bố không nêu kết quả, nhưng rõ một điều là Bắc Kinh sẽ không đưa ra cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ nếu Washington kiên quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại. Mặt khác, Bắc Kinh cũng phát tín hiệu rằng họ sẽ không vì áp lực mà thay đổi chính sách kinh tế. Tuyên bố này đi ngược với mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ngoài mong muốn giảm thâm hụt thương mại còn gây áp lực để Bắc Kinh thay đổi chính sách trợ cấp cho các công ty trong nước trong cuộc chơi toàn cầu và buộc các đối thủ nước ngoài phải bàn giao công nghệ chủ chốt nếu muốn kinh doanh ở đại lục. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc không có khả năng nhượng bộ khi nước này đang có tham vọng trở thành siêu cường công nghệ cao theo chính sách “Made in China 2025”.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết