08/12/2010 - 22:35

Tiến trình hòa bình Trung Đông:

Mỹ thừa nhận thất bại trong việc gây sức ép với Israel

Theo báo Guardian (Anh) ngày 8-12, sau 3 tuần thương lượng thất bại, Nhà Trắng đã từ bỏ nỗ lực gây sức ép lên Israel nhằm buộc nước này ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái, như điều kiện tiên quyết để khởi động đàm phán hòa bình với Palestine. Bế tắc trong đàm phán là một đòn giáng bẽ mặt đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn đề nghị cấp hàng tỉ USD viện trợ và khuyến khích ngoại giao nhằm thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận kéo dài thời gian ngưng xây dựng các khu định cư. Mỹ từng kỳ vọng Israel và Palestine sẽ đạt được thỏa thuận cơ bản về đường biên giới và gác lại vấn đề các khu định cư nếu Israel kéo dài việc ngưng xây dựng thêm 3 tháng nữa để hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Israel không ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine. Ảnh: Reuters 

Trong nỗ lực thuyết phục Israel ngừng xây dựng các khu định cư, Washington đã đề nghị viện trợ cho nước này, trong đó có các máy bay chiến đấu trị giá 3 tỉ USD và cam kết phủ quyết nghị quyết Liên Hiệp Quốc kêu gọi công nhận lập tức nhà nước Palestine. Washington tính toán rằng một khi hai bên đạt thỏa thuận về đường biên giới, Israel sẽ được tự do xây dựng ở những khu vực mà nước này vẫn chiếm đóng của người Palestine. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu từ chối đề nghị của Mỹ vì không có sự đảm bảo bằng văn bản rằng Washington sẵn sàng ủng hộ Israel, trong đó có cam kết cho Israel xây dựng tự do các khu định cư ở khu vực chiếm đóng Đông Jerusalem. Không đạt được thỏa thuận, việc Israel xây dựng các khu định cư tiếp tục là trở ngại lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Lâu nay trong các cuộc đàm phán với Israel, vấn đề cốt lõi mà Palestine yêu cầu là Israel phải chấm dứt việc mở rộng các khu định cư trên các vùng đất chiếm đóng của họ.

Việc từ chối của Israel đã làm bẽ mặt chính quyền Obama trong nỗ lực làm “trung gian” cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine. Vẫn chưa rõ Nhà Trắng sẽ bắt đầu lại từ đâu, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến sẽ soạn thảo một giải pháp mới trong phát biểu về chính sách ngoại giao vào cuối tuần này tại Viện Brookings, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Isreael Ehud Barak và Thủ tướng Palestine Salam Fayyad. Theo các nhà phân tích, những nỗ lực của Washington hiện tập trung vào các vấn đề cốt lõi như đường biên giới của nhà nước Palestine theo giới tuyến năm 1967 và đảm bảo an ninh cho Israel. Thế nhưng, các nhà phân tích dự báo khó có đột phá nhanh về tiến trình này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley, Mỹ tiếp tục nỗ lực và phá vỡ sự bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tuyên bố của ông Crowley cho thấy tiến trình đàm phán Palestine - Israel đã trở lại điểm mà họ bắt đầu hồi tháng 5, khi Đặc phái viên Mỹ George Mitchell khởi động các chuyến thăm “con thoi” giữa hai bên nhằm nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp. Ông Crowley cho rằng “có thể sẽ có sự thay đổi chiến thuật” vì Mỹ vẫn tin rằng “cần thiết phải tiến hành đàm phán trực tiếp” để tạo bước tiến triển mới ở các vấn đề cốt lõi như an ninh của Israel, đường biên giới của nhà nước Palestine tương lai, số phận người tị nạn Palestine và quy chế Jerusalem mà hai bên đều muốn là thủ đô của mình.

N. MINH (Theo Guardian, AFP, Telegraph)

Chia sẻ bài viết