30/05/2020 - 08:29

Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc 

Trong diễn biến phản ánh quan hệ Mỹ-Trung chưa thể hạ nhiệt, Hải quân Mỹ lần nữa thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông khi điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đến gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép.

Trực thăng MH-60R Seahawk chuẩn bị hạ cánh trên khu trục hạm USS Mustin. Ảnh: US Navy

Hôm 28-5, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Anthony Junco xác nhận USS Mustin đã thực hiện quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp luật pháp quốc tế. CNN dẫn lời quan chức hải quân khác tiết lộ khu trục hạm nói trên di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của đảo Phú Lâm và Hòn Tháp. “Thông qua hoạt động này, Mỹ đã chứng minh những vùng biển trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải của họ một cách hợp pháp” - ông Junco nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, Hải quân Mỹ thực hiện 5 cuộc tuần tra hàng hải song song với tăng cường sự hiện diện và tiến hành nhiều cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Không quân Mỹ cũng cử máy bay ném bom chiến lược luân phiên làm nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển này. Tần suất hoạt động của Lầu Năm Góc gần khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh không ngừng leo thang. Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mô tả Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng đối với trật tự toàn cầu.

Mỹ gần đây còn cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng thế giới tập trung chống đại dịch COVID-19 để thúc đẩy tham vọng bành trướng lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông. Khẳng định kế hoạch duy trì hiện diện lâu dài tại đây, Lầu Năm Góc cho biết mục tiêu của quân đội Mỹ trong khu vực là thúc đẩy sự ổn định, cổ vũ đồng minh cùng đối tác ngăn chặn hành vi chèn ép của Trung Quốc. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tố Washington không ngừng “bắt nạt và kiềm chế” Bắc Kinh kể từ khi COVID-19 bùng phát. Phát biểu trong phiên thảo luận bên lề kỳ họp quốc hội tuần rồi, Bộ trưởng Ngụy xác định thế đối đầu chiến lược Trung-Mỹ đang bước vào giai đoạn “đầy rủi ro” và rằng Trung Quốc phải tăng cường tinh thần chiến đấu để thúc đẩy sự ổn định.

►Tiếp tục “nóng” quanh vấn đề Hong Kong

Ngoài vấn đề Biển Đông, tranh cãi về trách nhiệm trong đại dịch COVID-19, hai cường quốc những ngày qua còn “lời qua tiếng lại” xung quanh dự luật an ninh mới mà Trung Quốc muốn áp đặt với Hong Kong. Hôm 28-5, ngay sau thông tin Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết gây tranh cãi, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ sớm thông báo chính sách mới về Trung Quốc và nhấn mạnh Washington “không hài lòng” với Bắc Kinh cũng như những gì đã diễn ra. Trước đó, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow nói rõ Hong Kong vốn được hưởng các đặc quyền từ Mỹ giờ đây sẽ nhận đối đãi tương tự như Trung Quốc đại lục trong thương mại và các vấn đề tài chính. Đáp lại, chính quyền đặc khu này ví cảnh báo của Washington rút quy chế đặc biệt là “con dao hai lưỡi” và yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp công việc nội bộ.

Theo Reuters, dự luật an ninh mới có thể được Trung Quốc ban hành trước tháng 9. Trong tuyên bố chung hôm 28-5, Anh, Úc, Canada cùng nhiều quốc gia khác chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc vi phạm trực tiếp cam kết của Bắc Kinh trong Tuyên bố chung Trung-Anh, theo đó Hong Kong được hưởng quyền tự trị ở mức độ cao khi trở về với Trung Quốc năm 1997.

Trong động thái thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền lợi người Hong Kong, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thông báo nước này sẽ gia hạn thời gian cư trú tại Anh lên tới 12 tháng cho người Hong Kong mang hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO). Động thái này sẽ mở đường để người Hong Kong mang hộ chiếu BNO ở lại Anh và được phép xin cấp quyền công dân. Thủ tục xin cấp quyền công dân đối với họ sẽ được xét duyệt ưu tiên hơn công dân châu Âu. Ông Raab khẳng định Anh không thay đổi quyết định trừ khi Trung Quốc đình chỉ kế hoạch ban hành luật an ninh.

MAI QUYÊN (Theo Business Insider, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết