17/11/2021 - 20:51

Mỹ thách thức Nga ở Biển Đen 

Biển Ðen đang là tâm điểm trên bản đồ của Hải quân Mỹ trong bối cảnh căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Nga chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

USS Mount Whitney (phía trong) và tàu khu trục của Romania trên Biển Đen. Ảnh: US Naval Forces

Ðầu tháng 11, soái hạm của Hạm đội 6 USS Mount Whitney đã trở lại Biển Ðen trong hoạt động phối hợp với NATO. USS Mount Whitney được hộ tống bởi tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Porter, tàu chở dầu USNS John Lenthall cùng tàu của các đồng minh khu vực. Nhóm này được trợ giúp trên không với máy bay ném bom chiến lược B-1B. USS Mount Whitney sau đó ghé thăm quốc gia nhỏ nhất ở Biển Ðen là Georgia trước khi cập cảng Constanta của Romania hôm 12-11.

Sự hiện diện rầm rộ của Hải quân Mỹ diễn ra kể từ sau chuyến công du hồi tháng 10 của ông chủ Lầu Năm Góc Lloyd Austin đến các nước khu vực Biển Ðen nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác trong nhiệm vụ tăng cường phòng vệ trước Nga. Ðầu tháng này, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ William Burns bất ngờ có chuyến thăm tới Nga mà mục tiêu được tiết lộ là gởi thông điệp cảnh báo rằng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân đội Nga ở biên giới giáp Ukraine. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa sau đó thúc giục gửi tàu chiến đến Biển Ðen để “kiềm chế, đẩy lùi hành động xâm lược” của Nga.

“Ao nhà” của Nga?

Với diện tích 420.000km vuông, Biển Ðen trải dài từ Ðông và Nam Âu chạy qua Trung Ðông và châu Á; nối với Ðịa Trung Hải qua hai eo biển hẹp, hình thành tuyến đường biển cổ chai nối liền lục đia Á - Âu. Vùng biển nửa khép kín này đặc biệt nhạy cảm với Nga khi liên kết một số cảng nước ấm và là cửa ngõ để quân đội Nga tiếp cận Ðịa Trung Hải và những vùng biển khác.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, xu hướng “phương Tây hóa” khu vực khiến Nga đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh này, Ðiện Kremlin đưa ra tầm nhìn về việc sử dụng các vùng biển để xây dựng hạm đội pháo đài ngăn phương Tây chống Nga thông qua Biển Ðen và Biển Baltic. Từ tầm nhìn trên, Nga tiến hành cải cách quân sự vào năm 2008 và sau đó là Chương trình Vũ trang Nhà nước 2011-2020 để đảm bảo cán cân quân sự khu vực. Năm 2014, sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea (của Ukraine) và sau đó xây cầu băng qua eo biển Kerch cho phép Mát-xcơ-va mở rộng vùng “chống xâm nhập” với khả năng gây tê liệt lực lượng NATO.

So với tiềm lực của Nga, các thành viên và đối tác của NATO trong khu vực như Romania, Bulgaria, Ukraine hay Georgia bị cho bất lợi cả về quân sự, địa lý và chính trị. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sở hữu lực lượng hải quân có năng lực nhưng thái độ xa lánh NATO bên cạnh mối quan hệ ấm lên với Nga làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Ankara với liên minh.

Trong bối cảnh như vậy, NATO những năm gần đây liên tục điều quân và hỗ trợ các nước thành viên nâng cấp năng lực phòng thủ. Trong đó, Mỹ bất chấp phản đối của Nga đưa chiến hạm nước này vào tầm ngắm, thường xuyên triển khai tàu chiến đến khu vực. Ðể tăng quy mô thậm chí “định cư” trong khu vực, Washington dựa vào “quyền tự do hàng hải” và sử dụng “mối nguy cơ từ Nga” như lá chắn cho việc thực thi cam kết phòng thủ chung và củng cố sức mạnh NATO.

Mát-xcơ-va sẽ không chấp nhận sự mở rộng của các lực lượng NATO vào Ukraine. Đó là những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức phương Tây khác trong những ngày gần đây khi các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo ông về việc Nga một lần nữa tập trung xe tăng và hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 14-11 cho biết các thành viên của khối chưa nhất trí về việc kết nạp Ukraine.

 

MAI QUYÊN (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết