10/02/2020 - 19:35

Mỹ tăng nguồn lực đối phó Nga, Trung 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) đề xuất giảm hàng tỉ USD ngân sách viện trợ nước ngoài để tăng cường nguồn quỹ chống lại “mối đe dọa” kinh tế từ Nga và Trung Quốc.

Theo Bloomberg, ông Trump có thể cắt giảm 21% ngân sách cho Bộ Ngoại giao và các chương trình hỗ trợ quốc tế (giảm còn 44,1 tỉ USD so với 55,7 tỉ USD năm ngoái) trong dự thảo ngân sách tài khóa 2021 trị giá 4,8 nghìn tỉ USD. Chủ nhân Nhà Trắng còn có ý định giảm 6% chi tiêu không cần thiết từ các chương trình phúc lợi và an sinh xã hội.

Nguồn tiền tiết kiệm sẽ được đầu tư cho chi tiêu quốc phòng (tăng 0,3% lên 740,5 tỉ USD) và đảm bảo an ninh mạng. Đặc biệt, chính quyền Trump dự kiến tăng cường các nguồn quỹ chống lại mối đe dọa kinh tế từ Nga và Trung Quốc. Trong đó, ông Trump muốn tăng vốn hỗ trợ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) từ 150 triệu USD lên 700 triệu USD. DFC vốn được thành lập nhằm mục đích chống lại sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Đóng vai trò như ngân hàng phát triển hợp tác với khu vực tư nhân cung cấp khoản vay cho các nước đang phát triển, DFC được xem là lựa chọn tài chính giúp các nước tránh cái mà Washington coi là “ngoại giao bẫy nợ” vốn được Bắc Kinh sử dụng để mở rộng ảnh hưởng. Trong một nhận định, Giám đốc điều hành DFC Adam Boehler cho rằng tăng ngân sách chống lại mối đe dọa về kinh tế là phù hợp với mục tiêu của lưỡng viện quốc hội. Cơ quan này cũng được định hướng hỗ trợ công nghệ 5G ở các nước đang phát triển vốn đang là mặt trận cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh những đề xuất trên, Tổng thống Trump còn tìm cách huy động khoảng 2 tỉ USD tài trợ cho dự án xây tường dọc biên giới với Mexico theo cam kết tranh cử. Năm ngoái, Nhà Trắng phải tái phân bổ các nguồn quỹ quốc phòng sau khi yêu cầu 8,6 tỉ USD của ông Trump bị quốc hội từ chối. Nhưng theo một quan chức cấp cao, chính quyền sẽ không tiếp tục “rút” tiền từ Lầu Năm Góc để nâng cấp hàng rào an ninh trên tuyến biên giới phía Nam.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng nhiều đề xuất cắt giảm trong dự thảo ngân sách của Tổng thống Trump (chỉ dành 590 tỉ USD chi tiêu trong nước cho mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến giao thông và chính sách đối ngoại) có khả năng bị Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát bác bỏ, mở ra cuộc chiến ngân sách tiếp theo giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol.

Hồi năm ngoái, ông Trump buộc phải từ bỏ kế hoạch cắt giảm viện trợ nước ngoài sau khi vấp phải phản đối của quốc hội. Trong lá thư gửi các lãnh đạo cơ quan lập pháp, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen cảnh báo nguy cơ cắt giảm viện trợ nước ngoài sẽ ảnh hưởng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Giữa kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực, Đô đốc Mullen cho rằng đầu tư nhiều hơn vào ngoại giao và phát triển là điều cần thiết nếu không muốn lạc lõng so với phần còn lại của thế giới.

Theo Reuters, đề xuất ngân sách Mỹ đưa ra lộ trình 15 năm để loại bỏ thâm hụt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ tài khóa 2019 tăng 19% lên tới 1.067 tỉ USD. Lần gần đây nhất thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ vượt ngưỡng 1 nghìn tỉ USD là vào năm 2012. Để giảm thâm hụt, ông Trump đang tìm cách cắt 4,6 nghìn tỉ USD chi tiêu trong 10 năm.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết