18/03/2017 - 10:10

Mỹ sẽ giảm mạnh viện trợ nước ngoài

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16-3 đề xuất cắt giảm mạnh chi tiêu cho nghệ thuật, khoa học, bảo vệ môi trường và viện trợ nước ngoài trong bản dự thảo ngân sách đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Quốc hội.

Ngân sách "sức mạnh cứng"

Theo lời ông Trump, ngân sách sắp tới "đặt nước Mỹ lên trên hết"- có thể giúp quân đội chiến thắng và "cởi trói" cho những giấc mơ của người Mỹ.

USAID hiện đang hỗ trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Theo kế hoạch này, ngân sách dành cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ bị cắt giảm tới 31%. Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan phát triển, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cũng giảm tới 29%. Như vậy, đóng góp của Mỹ cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng như viện trợ nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

"Đây là một ngân sách sức mạnh cứng, không phải ngân sách sức mạnh mềm", Giám đốc Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney- ngưới nói rằng đã "cày xới" tất cả các bài phát biểu tranh cử của ông Trump để tìm cảm hứng, khẳng định. Theo ông Mulvaney, chính quyền Mỹ sẽ ngưng hoàn toàn nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đề xuất của Tổng thống Trump lập tức vấp phải phản ứng của nhiều nghị sĩ, không chỉ Dân chủ mà cả Cộng hòa. Theo Hạ nghị sĩ Cộng hòa Harold Rogers, cựu Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, "Trong khi chúng ta có trách nhiệm làm giảm thâm hụt ngân sách liên bang, tôi thất vọng rằng việc cắt giảm theo đề xuất trong ngân sách của tổng thống là khắc nghiệt, bất cẩn và phản tác dụng". Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain thì quả quyết: "Ngân sách đề xuất hôm nay không thể qua ải Thượng viện".

Lầu Năm Góc lên, Bộ Ngoại giao xuống

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ bị thiệt hại nặng nề thì Lầu Năm Góc được hưởng lợi, bởi việc cắt giảm này là để lấy tiền bổ sung 54 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2018. Năm nay, chi tiêu quân sự của Mỹ đã tăng 30 tỉ USD và lên tới con số gần 619 tỉ USD.

Trong khi đó, mỗi năm ngân sách Mỹ chỉ cung cấp hơn 50 tỉ USD cho Bộ Ngoại giao và USAID mà sắp tới đây còn bị cắt giảm. Thế nhưng Ngoại trưởng Rex Tillerson, đang có chuyến công du châu Á, nói rằng không phản đối đề xuất của tổng thống. "Rõ ràng, mức độ chi tiêu của Bộ Ngoại giao trong quá khứ và đặc biệt hồi năm ngoái là không bền vững. Chúng tôi sẽ làm rất nhiều việc với ít tiền hơn", ông Tillerson tỏ ra tự tin.

Trái lại, toàn thể nghị sĩ Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã gởi thư cho Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, khẳng định cần ưu tiên cho ngành ngoại giao: "Các nhà ngoại giao của chúng ta thu xếp các tranh chấp để chúng không phải được giải quyết bằng bom đạn". Hơn 120 cựu tướng lĩnh và đô đốc Mỹ cũng ký tên vào một bức thư, trong đó cảnh báo: "Nhiều trong số những cuộc khủng hoảng mà đất nước chúng ta đối mặt không được giải quyết chỉ bằng giải pháp quân sự".

QUỐC KHÁNH (Theo AFP, Fox News)

Chia sẻ bài viết