|
Người dân Pakistan ở các bộ tộc giáp biên giới Afghanistan hô khẩu hiệu chống Taliban.
Ảnh: AFP |
Ngày 23-2, Tướng Ashfaq Parvez Kayani, Tư lệnh Quân đội Pakistan, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Washington kể từ khi nhậm chức tháng 11-2007, nhằm thảo luận với các quan chức chủ chốt của Lầu Năm Góc về việc xem lại toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Pakistan và Afghanistan. Trong 1 tuần tại Mỹ, Tướng Kayani sẽ gặp Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, với vấn đề trọng tâm là cuộc chiến chống tàn quân Taliban và các phần tử khủng bố Al Qaeda đang trú ẩn tại khu vực bộ tộc của Pakistan giáp biên giới Afghanistan.
Chuyến đi của ông Kayani diễn ra cùng thời điểm chính quyền tỉnh Biên Giới Tây Bắc công bố kế hoạch thành lập lực lượng dân quân với 30.000 khẩu súng trang bị cho dân làng, và ra mắt một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ. Động thái trên được cho là nhằm xoa dịu sự quan ngại của Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết ở Thung lũng Swat giữa chính phủ Pakistan và Taliban. Washington cho rằng thỏa thuận đó có thể tạo ra “thiên đường” an toàn các các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khu vực này. Islamabad cũng quyết định cử Ngoại trưởng Mahmood Qureshi tới Washington để trấn an chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ chính quyền Pakistan cũng có ý kiến khác nhau về kế hoạch thành lập lực lượng dân quân của tỉnh Biên Giới Tây Bắc. Mahmood Shah, cựu chỉ huy an ninh ở các vùng bộ tộc Pakistan cho rằng vũ trang cho dân thường có thể làm phát sinh cuộc nội chiến ở khu vực Tây Bắc, nơi căng thẳng chính trị và sắc tộc đang rất “nóng”. Còn để thành lập đơn vị gồm 2.500 cảnh sát tinh nhuệ, tỉnh này cần chi tới 40 triệu USD, con số rất lớn đối với một tỉnh nghèo khó vốn đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế.
Bên cạnh thỏa thuận ngừng bắn ở Thung lũng Swat, giữa Washington và Islamabad còn bất đồng xung quanh việc Mỹ thường xuyên không kích vào khu vực bộ tộc của Pakistan, gây thiệt mạng nhiều dân thường. Các quan chức Pakistan nhiều lần phản đối mạnh mẽ việc này, xem đó là hành động vi phạm chủ quyền. Tuy nhiên, theo hãng tin Fox News (Mỹ), cả Tổng thống Asif Ali Zardari và Tướng Kayani đều “nhắm mắt” làm ngơ cho Mỹ thực hiện các cuộc không kích. Tổng cộng có hơn 30 đợt tấn công bằng máy bay được thực hiện từ khi ông Zardari lên nắm quyền vào tháng 9-2008. Hậu quả là Tổng thống Zardari hiện đang phải đối mặt với phong trào chống Mỹ ngày càng gia tăng trong xã hội Pakistan, cũng như nhiều người chỉ trích ông quá khiếp nhược trước Washington.
N.MINH (Theo NYT, AP, AFP)