10/06/2022 - 08:37

Mỹ nỗ lực ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh 

HẠNH NGUYÊN

Tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ngày 9-6, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch Ðối tác kinh tế mới của Mỹ với các nước Mỹ Latinh nhằm ngăn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực.

Tổng thống Biden phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ. Ảnh: Reuters

Chủ trì Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ kéo dài một tuần ở thành phố Los Angeles (bang California), chủ nhân Nhà Trắng tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo về cam kết của Washington đối với khu vực. Hội nghị được xem là nền tảng để Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc phục hồi các kinh tế Mỹ Latinh cũng như giải quyết làn sóng di cư bất hợp pháp cao kỷ lục tại biên giới Mỹ - Mexico.

Ðáng nói, Tổng thống Biden muốn giới thiệu tới các nước Mỹ Latinh một sự lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, trong đó kêu gọi tăng cường sự tham gia của Mỹ vào kinh tế, bao gồm đầu tư nhiều hơn và củng cố các thỏa thuận thương mại hiện có. Tuy nhiên, sáng kiến “Ðối tác vì sự thịnh vượng kinh tế châu Mỹ” của ông Biden dường như vẫn chưa hoàn thiện, không đề xuất giảm thuế và bước đầu chỉ tập trung vào “những đối tác cùng chí hướng” đã ký kết hiệp định thương mại với Mỹ. Các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào đầu mùa thu năm nay.

Dù vậy, giới chức Mỹ nhấn mạnh bằng cách phát động kế hoạch kinh tế mới cho Mỹ Latinh, Tổng thống Biden đang muốn thúc đẩy các mục tiêu cạnh tranh của chính quyền Washington với Trung Quốc tại khu vực.

Thách thức từ Bắc Kinh

Dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã nới rộng khoảng cách với Mỹ về mặt thương mại ở phần lớn khu vực Mỹ Latinh.

Theo phân tích của Hãng tin Reuters về dữ liệu thương mại của Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2015-2021, loại trừ Mexico - đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ ở Mỹ Latinh và gia tăng lợi thế hồi năm ngoái. Cụ thể, khi không tính Mexico, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc đạt gần 247 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức 174 tỉ USD với Mỹ.

Xu hướng trên, được thúc đẩy bởi các quốc gia giàu tài nguyên ở Nam Mỹ, cho thấy cách Washington mất chỗ đứng ngay tại khu vực lâu nay được coi là “sân sau” của họ. Bởi vậy, các cộng sự của ông Biden xác định Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ là cơ hội để Mỹ tái khẳng định vai trò đầu tàu của mình tại Mỹ Latinh sau nhiều năm bị lãng quên dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực và Bắc Kinh mua rất nhiều đậu nành, bắp, thịt heo và xây dựng hàng loạt cầu đường, xe lửa, lưới điện. Trung Quốc dẫn đầu ở Argentina, gia tăng lợi thế ở những “gã khổng lồ” về sản xuất đồng như Chile và Peru, đồng thời đạt bước tiến lớn tại Brazil bất chấp việc Tổng thống Jair Bolsonaro hoài nghi lợi ích kinh doanh của Bắc Kinh đang ảnh hưởng quá nhiều đến nước này. Ðơn cử như Tập đoàn năng lượng khổng lồ State Grid của Trung Quốc sở hữu công ty cung cấp điện cho hơn 10 triệu ngôi nhà tại Brazil.

Thật ra, Mỹ cũng không bỏ cuộc. Vào năm 2019, Ivanka Trump đã đến tỉnh Jujuy của Argentina khi bà còn là cố vấn cấp cao của cha mình, Tổng thống Trump. Ðầu năm 2021, Mỹ đã cho Ecuador vay 3,5 tỉ USD để thoát khỏi khoản nợ của Trung Quốc với điều kiện nước này ngừng mua công nghệ chủ chốt từ Bắc Kinh. Tháng 9 năm đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh đã đến thăm Colombia, Ecuador và Panama để thúc đẩy một giải pháp thay thế cho sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Nỗ lực của Mỹ, được gọi là “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, cũng nhằm cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng.

Các trợ lý của ông Biden từng đến Mỹ Latinh đã cố gắng thuyết phục các đối tác rằng Washington là đối tác đáng tin cậy và minh bạch hơn để kinh doanh, đồng thời công khai cáo buộc Trung Quốc sử dụng đầu tư để tạo ra “bẫy nợ” cho các nước. Nhưng một quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận rằng Washington đang phải đối mặt với một thử thách đầy cam go. “Một khi Trung Quốc còn sẵn sàng đặt tiền lên bàn, thì chúng ta dường như đang thua trận”, người này nói.

Lãnh đạo đến từ hơn 20 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 tại Los Angeles. Ðây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức sự kiện nhóm họp lãnh đạo các nước khắp châu lục này kể từ hội nghị lần thứ nhất tại Miami năm 1994. Theo CNN, tại hội nghị, Tổng thống Biden dự kiến công bố khoản viện trợ trị giá hơn 300 triệu USD giúp đối phó vấn đề mất an ninh lương thực, cùng những cam kết khác về lĩnh vực tư nhân, sáng kiến y tế và hợp tác về khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ bài viết