12/08/2021 - 10:10

Mỹ lo Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Trung Đông 

Bên cạnh việc rút quân khỏi Afghanistan, đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái thiết quan hệ với người Palestine, chiến lược Trung Ðông của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden còn bao gồm mục tiêu ngăn Trung Quốc lập căn cứ quân sự trong khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diện kiến Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa trong chuyến công du hồi tháng 3. Ảnh: Xinhua

Phát biểu mới đây trước Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Trung Ðông Dana Stroul đã đề cập chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh hiện nay. Theo đó, cường quốc châu Á đang tìm cách thiết lập cơ sở quân sự ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm tại Trung Ðông. Trước sự can dự của Trung Quốc, bà Stroul cho biết Washington đã nhắc nhở các đồng minh rằng việc bố trí căn cứ quân sự của Bắc Kinh sẽ dẫn đến rủi ro đối với công nghệ và an toàn của lực lượng Mỹ ở khu vực. Bà Stroul cảnh báo mối quan hệ như vậy với Trung Quốc không chỉ gây nguy hiểm cho quan hệ an ninh với Mỹ mà còn đe dọa chủ quyền các quốc gia này. “Có một số lĩnh vực hợp tác nhất định với Trung Quốc mà Washington không thể chấp nhận và chúng tôi vẫn đang thể hiện rõ điều đó” - quan chức Bộ Ngoại giao Mira Resnick nói tại phiên điều trần.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Ðồi Capitol đang cân nhắc mức độ các mối quan hệ hợp tác an ninh tạo nên “đòn bẩy” cho Washington. Một trong những nghịch lý được nhắc đến, đó là chính phủ những nước Trung Ðông mua vũ khí của Trung Quốc nhưng muốn hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần khẳng định ông sẵn sàng mở rộng xuất khẩu vũ khí Mỹ cho các đồng minh Arab, thay vì để họ mua vũ khí Nga và Trung Quốc. Năm ngoái, Nhà Trắng thông báo tới Quốc hội về kế hoạch bán cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lô 50 chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến F-35. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Biden đã tạm dừng một số vụ mua bán vũ khí do người tiền nhiệm khởi xướng. Cho đến tháng 4, Nhà Trắng ra thông báo tiếp tục thực hiện thỏa thuận bán lô vũ khí trị giá 23,37 tỉ USD cho UAE. Tuy nhiên hồi tháng 5, tờ Nhật báo Phố Wall tiết lộ thương vụ có thể không diễn ra do Mỹ đang lo Abu Dhabi cho phép Bắc Kinh lập căn cứ quân sự trên đất họ.

Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh mở rộng tiền đồn quân sự ở nước ngoài là thách thức đối với lợi ích chiến lược của Mỹ, đặc biệt tại Trung Ðông. Dù khu vực này có còn quan trọng đối với Washington hay không, Trung Quốc vẫn tham vọng cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và không ngần ngại thể hiện vai trò mới ở đây. Bởi cơ hội lấp khoảng trống Washington để lại không chỉ thỏa mãn cơn “khát” dầu của Bắc Kinh mà còn giúp họ tăng cường năng lực răn đe. Trước đó, có báo cáo cho thấy binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại căn cứ ở Djibouti liên tục quấy rối và cố lẻn vào một cơ sở của Mỹ gần đó. Nếu Trung Quốc lập tiền đồn ở UAE hay nơi khác trong khu vực, chuyên gia Daniel J. Samet tại Trung tâm An ninh Quốc gia Clements (Mỹ) cho rằng họ có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Hạm đội 5 đóng ở Bahrain. Trường hợp cán cân quyền lực trong khu vực tiếp tục nghiêng hơn về Trung Quốc, Mỹ có thể phải “trả giá” bằng lợi thế quân sự ở những nơi khác.

Trong nỗ lực ngăn Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng đã đến lúc chính quyền Tổng thống Biden chuyển trọng tâm sách lược Trung Ðông từ dầu mỏ và chống khủng bố sang Bắc Kinh. Hiện các nhà hoạch định chính sách ở Washington vẫn chủ trương đối thoại hoặc gây áp lực lên đồng minh, buộc họ đánh giá về rủi ro hợp tác cùng Trung Quốc. Nếu ngoại giao không có kết quả, chính quyền Tổng thống Biden được đề nghị tính toán giải pháp trừng phạt.

MAI QUYÊN (Theo MSN)

Chia sẻ bài viết