30/06/2020 - 05:59

Mỹ lo Trung Quốc giành Bắc Cực 

Mỹ và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần “đồng tâm hiệp lực” bảo vệ lợi ích trước Trung Quốc, đặc biệt ở vùng Bắc Cực trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp thế giới.

Các nhà khoa học Trung Quốc trong chuyến thám hiểm Bắc Cực. Ảnh: Xinhua

Cảnh báo được Đô đốc James Foggo đưa ra tại hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức hôm 28-6. Lo lắng của vị Tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi là có cơ sở dựa trên những yêu sách không có thật mà Trung Quốc đặt ra ở Biển Đông. Với tiền lệ này, Đô đốc Foggo dự đoán Bắc Cực sẽ là tâm điểm mới trong những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc khi họ ráo riết tìm cách khai thác tài nguyên vùng cực và có thể bẻ cong các quy tắc theo hướng có lợi cho mình.

Theo luật quốc tế, Trung Quốc giữ vai trò quan sát viên đối với Bắc Cực, đồng nghĩa Bắc Kinh chỉ có thể hợp tác với những nước có chủ quyền với các vùng đất trong Vòng cực Bắc (Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ) trong các dự án phát triển tuyến đường thương mại, năng lượng. Song, Trung Quốc năm 2018 bất ngờ cho công bố sách trắng Bắc Cực đầu tiên, trong đó tự coi mình là “quốc gia cận Bắc Cực” dù khoảng cách địa lý từ Bắc Kinh đến phần đất này ngót nghét 3.000km. Để được “gần” hơn, Trung Quốc đã mua sắm hoặc thuê nhiều đội tàu phá băng khai phá tuyến đường mới đến vùng đất băng giá này.

Trong khi sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đang vây bọc cả trên biển lẫn đất liền, giới quan sát cho rằng tham vọng của họ tiếp tục mở rộng với “Con đường tơ lụa địa cực” thông qua các dự án khai thác tài nguyên và giao thương hàng hải. Chiến lược này cùng với việc họ đẩy mạnh xây dựng mạng lưới 5G ở châu Âu, dựa vào đầu tư để kiểm soát cơ sở hạ tầng cảng biển tại nhiều quốc gia châu Phi đã đặt ra mối đe dọa về an ninh cho Mỹ và các thành viên NATO, Đô đốc Foggo cảnh báo. Ngoài ra, ông cũng lưu ý sức mạnh của Trung Quốc trên mặt trận tuyên truyền khi thâu tóm các hãng truyền thông để loại bỏ tin tức tiêu cực về Bắc Kinh. Chủ trương này phối hợp sách lược ngoại giao “Chiến Lang” và chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” đã được cường quốc châu Á vận dụng trong đại dịch COVID-19 để đánh bóng tên tuổi trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu.

Vận động EU ngừng sử dụng sản phẩm của Nuctech

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tài liệu mà báo này có được cho biết chính quyền Mỹ đang tìm cách thuyết phục chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt sử dụng thiết bị giám sát của công ty Nuctech của Trung Quốc, cho rằng việc tăng cường sự hiện diện của công ty này tại châu Âu có thể đe dọa hoạt động kinh doanh và an ninh của phương Tây.

Cụ thể, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và một số cơ quan hữu quan khác đang vận động chính phủ các nước châu Âu loại bỏ sự hiện diện của Nuctech - công ty chuyên sản xuất các hệ thống máy soi quét để kiểm tra hàng hóa, hành lý và hành khách tại các cảng biển, sân bay và các trạm kiểm soát biên giới - trên toàn châu Âu.

Về phần mình, Nuctech cho biết công ty này không biết gì về những động thái trên của Washington. Đại diện của Nuctech khẳng định công ty hoạt động độc lập, không nhận nguồn hỗ trợ nào từ chính phủ và không gây ra nguy cơ nào về an ninh.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết