Bác bỏ yêu sách và hành vi của Trung Quốc ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ đồng thời cam kết đẩy mạnh xây dựng quan hệ đối tác với các nước khu vực với mục tiêu đảm bảo “lợi ích sống còn” của tất cả các bên.
.gif)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin dừng chân tại Singapore trong chuyến công du Ðông Nam Á. Ảnh: AFP
uan hệ Mỹ - Trung xấu đi những năm gần đây và ngày càng đối đầu kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ. Hôm 27-7, “khẩu chiến” hai bên lần nữa bùng phát khi phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu có cuộc gặp với Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị cùng nhiều quan chức khác tại thành phố cảng Thiên Tân.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó hy vọng sẽ tổ chức trao đổi thẳng thắn để thúc đẩy lợi ích và chỉnh đốn mối quan hệ một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, thông cáo sau đó cho biết hai bên đã có cuộc tranh luận căng thẳng và Bắc Kinh được mô tả như một “kẻ ngoại đạo” đang phá bỏ các chuẩn mực quốc tế. Ðáp lại, giới quan chức Trung Quốc chỉ trích “thói đạo đức giả” về nhân quyền cùng “chính sách cực kỳ nguy hiểm” của đối phương. Một phần trong chính sách này là thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Ðông, theo các nhà quan sát. Trong khi Washington coi đây là hành động thể hiện cam kết đối với một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Bắc Kinh nói rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực gây mất ổn định và “xâm phạm” chủ quyền Trung Quốc.
Bác bỏ quan điểm trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore đã nhắc lại lập trường của nước này, coi yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Ðông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh không sẵn lòng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng pháp quyền; thay vào đó là các hoạt động gây bất ổn, đe dọa chủ quyền các nước láng giềng. Ðáng nói là thái độ bất cần luật lệ của Trung Quốc đã vượt ra ngoài vấn đề Biển Ðông với hành vi gây hấn cùng Ấn Ðộ, gây bất ổn trên eo biển Ðài Loan và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Bộ trưởng Austin cảnh báo.
Giữa môi trường an ninh phức tạp, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết Washington không tìm kiếm xung đột quân sự mà cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Bắc Kinh. Nhưng ông nói rõ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không nhân nhượng khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. Theo vị này, Mỹ không đòi hỏi các quốc gia Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương lựa chọn giữa hai cường quốc. Thay vào đó, Nhà Trắng hy vọng hợp tác với các bên để giải quyết vấn đề khu vực và toàn cầu. “Mạng lưới liên minh và đối tác của chúng tôi là tài sản chiến lược quý báu. Mỹ và cả khu vực này có thể an toàn, thịnh vượng hơn khi hợp tác cùng đồng minh lẫn đối tác của mình” - Bộ trưởng Austin nhận xét.
Củng cố nỗ lực hợp tác do Washington dẫn đầu trong khu vực, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh HMS Queen Elizabeth đã tiến vào Biển Ðông để tham gia cuộc tập trận với Hải quân Singapore. Sự xuất hiện của tàu sân bay Anh tại Ðông Nam Á được Bộ trưởng Austin ghi nhận là động thái “lịch sử”, phản ánh quan hệ đối tác không chỉ với Mỹ mà giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm xây dựng mối quan hệ an ninh bền chặt, đẩy lùi các hành vi gây hấn.
Tại một hội nghị hôm 27-7, các quan chức Không quân Mỹ xác định Bắc Cực đóng vai trò quan trọng ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Trong đó, bang Alaska nằm ở đầu Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ được coi là “tài sản quân sự chiến lược” trước cạnh tranh từ Bắc Kinh cũng như Nga.
MAI QUYÊN (Theo Reuters)