15/05/2019 - 20:35

Mỹ, Iran kéo giảm nguy cơ chiến tranh 

Trước quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ xung đột nổ ra ở Trung Đông, lãnh đạo Mỹ-Iran trong dấu hiệu xuống thang lần lượt ra tuyên bố bác bỏ khả năng xảy ra chiến tranh khu vực.

Tổng thống Trump (trái) và lãnh tụ Iran lần lượt có tuyên bố giảm nguy cơ xung đột ở Trung Đông. Ảnh: Ynetnews

Iran loại nguy cơ chiến tranh

Hôm 14-5, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei tuyên bố Tehran không tìm kiếm chiến tranh với Mỹ, rằng cuộc đối đầu hiện nay giữa hai nước thiên về “thử thách ý chí” hơn là “chạm trán quân sự”. “Chúng tôi không muốn xung đột và Mỹ cũng vậy. Washington hiểu rõ điều này không đem lại lợi ích cho họ” - lãnh tụ Iran nói trước các quan chức cấp cao trong nước. Ông Khamenei  khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra.

Về vấn đề hạt nhân, lãnh tụ Iran nói rõ sẽ không có thêm bất kỳ thỏa thuận nào với Washington. Theo quan điểm của ông Khamenei, tiến trình đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ mang tính chất “phá hoại” khi Washington chỉ nhắm mục tiêu tước đi năng lực tên lửa và tầm ảnh hưởng chiến lược của Tehran trong khu vực.

Ông Trump bác tin điều quân

Thông điệp của lãnh tụ Iran được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Washington đang căng như dây đàn, đặc biệt sau vụ hai bên liệt lực lượng quân sự đối phương vào danh sách khủng bố. Cộng đồng quốc tế càng lo ngại khi Lầu Năm Góc triển khai các tài sản quân sự để tái cấu trúc lực lượng Mỹ trên khắp Trung Đông, tăng cường năng lực ứng phó trước “mối đe dọa từ Iran hay các nhóm do Iran hỗ trợ”. Bác bỏ và nói cáo buộc này là vô lý, Tehran cảnh báo sẽ đánh phủ đầu nhằm vào lực lượng của Washington nếu tàu sân bay Mỹ có bất cứ động thái nào.

Căng thẳng tiếp tục leo thang trước tin Lầu Năm Góc đang thảo luận kế hoạch triển khai 120.000 quân đến Trung Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã lên tiếng phủ nhận khi cho biết Nhà Trắng hiện chưa có và cũng không hy vọng phải lập kế hoạch như trên. Dù vậy, ông Trump không loại trừ khả năng triển khai trong tương lai “với quân số nhiều hơn”. Hồi đầu tuần, Tổng thống Trump cảnh báo Iran sẽ “thiệt hại nặng nề” nếu nhắm vào lực lượng Mỹ. Lặp lại quan điểm này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Nga hôm 14-5 cho biết Washington sẽ đáp trả tương ứng nếu lợi ích của Mỹ bị tấn công. Nhưng ông cũng nói rõ Washington cơ bản không tìm kiếm chiến tranh với Iran.

Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Washington chỉ đẩy Tehran vào “chân tường”. Dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trang mạng dolat.ir của Chính phủ Iran khẳng định Cộng hòa Hồi giáo sẽ không dễ để bị bất cứ nước nào hăm dọa. Phát biểu trên được đưa ra sau khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) xác nhận vụ 4 tàu thương mại, trong đó có 2 tàu chở dầu của Saudi Arabia, bị tấn công ở khu vực cửa ngõ eo biển Hormuz hôm 12-5. Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad đã phủ nhận đồn đoán nước này đứng sau vụ việc trong khi Heshmatollah Falahat Pisheh - người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, nêu sự cần thiết lập “lằn ranh đỏ” giữa Tehran và Washington nhằm ngăn chặn bên thứ 3 lợi dụng châm ngòi cuộc khủng hoảng mà hai bên vốn có thể tự xử lý.

Theo giới quan sát, mặc dù Tổng thống Trump duy trì quan điểm phản đối sự can dự của Mỹ trong các cuộc chiến tranh bên ngoài lãnh thổ, nhưng căng thẳng với Tehran những tuần gần đây cùng sự trỗi dậy của quan điểm hiếu chiến tại Nhà Trắng đặt ra câu hỏi về việc Washington có chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự hay không. Nguy cơ này được phản ánh qua việc Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton với vị thế đang lên trong chính quyền Trump, đang thúc đẩy các chính sách hoàn toàn ngược lại. Theo đại sứ Baeidinejad, một số cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Trump như ông Bolton dường như đang “cố thuyết phục” Tổng thống khởi động cuộc tấn công quân sự - động thái sẽ “tàn phá” Iran, Mỹ và cả khu vực.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết