01/08/2013 - 14:40

Nỗ lực giải quyết bất ổn tại Ai Cập

Mỹ, EU bắt đầu tăng tốc

Bà Ashton gặp gỡ Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour (phải) trong chuyến đi thứ hai đến Cairo chỉ hơn 10 ngày. Ảnh: Reuters

Trước tình hình bất ổn chưa có hồi kết tại Ai Cập, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và Liên minh châu Âu (EU) đã có những hành động gấp rút với hy vọng sớm tìm ra lối thoát cho người dân tại đất nước Kim tự tháp.

Washington đã “thấy lo”

Hãng tin Anh Reuters cho biết hai nghị sĩ Lindsey Graham và John McCain, vốn là thành viên của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, dự kiến sẽ bay sang Ai Cập trong tuần tới. Việc ông McCain và Graham sẽ gặp những ai trong chuyến đi sắp tới vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo tiết lộ của nghị sĩ Graham, ông Obama muốn gửi thông điệp chung nhất đến chính phủ lâm thời Ai Cập rằng các vụ giết chóc nhắm vào những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi chỉ “ngày càng giống như một cuộc lật đổ”, đồng thời Washington cũng mong muốn quân đội Ai Cập nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử theo như “lộ trình” đã đặt ra trước đó.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hague đã một lần nữa gọi điện cho người đồng cấp Ai Cập al-Sissi để nhấn mạnh về sự cần thiết cho một “tiến trình hòa giải bao quát”. Tổng thống Obama đã từng lên tiếng cảnh báo, thúc giục giới chức tại Cairo tiến hành hòa giải dân tộc cũng như đã ra quyết định trì hoãn chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho quân đội Ai Cập. Chính quyền Obama dường như lưỡng lự trong việc đưa ra hành động quyết đoán, như thắt chặt các nguồn viện trợ chẳng hạn, chớ không chỉ cảnh báo chính phủ lâm thời Ai Cập về hậu quả của làn sóng bạo lực tại đất nước Kim tự tháp.

EU tất bật

Bất ổn tại Ai Cập thực sự là nỗi lo “không của riêng ai”, nhất là EU. Hôm 30-7, phát ngôn viên của Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton cho biết đại sứ EU Bernadino Leon cũng bay đến Cairo vào hôm qua (31-7) trong cái gọi là “tiếp tục sứ mệnh”.

Mới đây, trong nỗ lực gây sức ép về “một tiến trình hòa giải bao quát” cho Ai Cập, bà Ashton đã phải bay đến Cairo và có cuộc gặp với các quan chức hàng đầu đất nước Bắc Phi cũng như đại diện của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Nhân vật duy nhất được các bên tại Ai Cập xem là nhà hòa giải cho cuộc xung đột cũng đã tiếp xúc và trao đổi với cựu Tổng thống Morsi kể từ khi ông bị quân đội phế truất.

Trong cuộc họp báo chung với bà Ashton hôm 29-7, Phó Tổng thống lâm thời Mohamed Elbaradei cho biết sẽ chấp nhận tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là một phần trong tiến trình đàm phán và hòa giải trong tương lai, nhưng đối với ông Morsi thì “không”.

Số phận của ông Morsi và việc những người Hồi giáo ủng hộ ông đang bị lực lượng an ninh “trấn áp” đã và đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế một nỗi lo và nghi vấn “phải chăng có một âm mưu nhằm triệt tiêu tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi?”- hành động mà giới phân tích gọi là “đùa với lửa” nếu là sự thật.

Biểu tình tiếp diễn

Bất chấp cảnh báo về những rủi ro từ quân đội Ai Cập, hôm 30-7, những người ủng hộ ông Morsi vẫn tuần hành tại trụ sở của tòa nhà tình báo quân đội ở thành phố Nasr cũng như nhiều nơi khác nhằm phản đối cái mà họ gọi là “sự tàn bạo của cảnh sát” sau sự kiện làm hơn 80 người thuộc phe Hồi giáo thiệt mạng trong cuộc đụng độ hồi cuối tuần qua.

Phát ngôn viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Gehad El-Haddad khẳng định các cuộc tuần hành là nhằm phân biệt giữa “sự tôn trọng” dành cho quân đội Ai Cập và “sự đảo chiều” từ cuộc lật đổ của quân đội.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Bà Ashton gặp gỡ Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour (phải) trong chuyến đi thứ hai đến Cairo chỉ hơn 10 ngày. N

Chia sẻ bài viết