15/04/2025 - 12:51

Mỹ đối mặt hiện tượng chảy máu chất xám 

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ cắt giảm tài trợ cho nhiều trường đại học và cơ quan nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đang đổ sang châu Âu tìm cơ hội việc làm.

Biểu tình phản đối Chính phủ Mỹ cắt tài trợ nghiên cứu khoa học tại Washington DC hồi tháng 3-2025. Ảnh: Nature

Một trong số đó có chuyên gia David Die Dejean, người sinh ra tại Tây Ban Nha nhưng dành phần lớn sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Mỹ và Úc.

Dejean từng có công việc mơ ước tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhưng vào giữa tháng 2-2025, ông nhận được thư điện tử yêu cầu rời khỏi nơi làm việc trong vòng 90 phút. Dejean và hàng trăm người khác đã bị sa thải trong đợt cắt giảm việc làm nhắm vào nhóm lao động thử việc, khi chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump bắt đầu cắt giảm tài trợ cho các trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Hiện tại, ông Dejean đang xin việc tại châu Âu.

Chính quyền mới của ông Trump lập luận cần phải cắt giảm hàng tỉ USD tiền tài trợ để kiềm chế thâm hụt liên bang và kiểm soát nợ công. Song, khi nguồn tài trợ bị cắt đột ngột, nhiều học giả và nhà nghiên cứu mất việc và nhiều khoa tại các trường đại học phải đóng cửa. Trong khi đó, các học giả nước ngoài, những người vốn đã xem Mỹ là quê hương thứ hai, đang bị trục xuất hoặc bị từ chối nhập cảnh với những lý do mơ hồ, hoặc sống trong nỗi lo sợ điều đó sẽ xảy ra với mình.

Trong khi đó, mối đe dọa đối với sinh kế của các học giả tại nhiều trường đại học Mỹ đã mang lại hy vọng cho các nhà lãnh đạo chính trị tại Liên minh châu Âu (EU) về việc họ có thể gặt hái được một khoản lợi nhuận “trí tuệ” đáng kể. Như trong một lá thư được ký vào tháng 3 rồi, 13 quốc gia EU đã thúc giục Ủy ban châu Âu hành động nhanh chóng để thu hút nhân tài học thuật. Lá thư kêu gọi tăng cường tài trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu để thu hút các nhà khoa học di cư.

Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, một cơ quan của EU tài trợ cho công trình khoa học, cũng tiết lộ sẽ tăng gấp đôi ngân sách tài trợ tái định cư cho những nhà nghiên cứu chuyển đến EU, lên 2 triệu euro (2,16 triệu USD)/ứng viên. Số tiền này sẽ dùng để trang trải chi phí chuyển đến một tổ chức châu Âu, có thể bao gồm việc thành lập một phòng thí nghiệm.

Nhiều trường đại học trên khắp châu Âu cũng triển khai chiến dịch tuyển dụng, tìm kiếm các nguồn tài trợ mới để thu hút những cá nhân tài năng. Đơn cử, Đại học Aix Marseille (Pháp) dành 15 triệu euro để tuyển dụng 15 vị trí trong 3 năm như một phần của chương trình mới mang tên “Nơi an toàn cho khoa học”  của nhà trường. Tương tự, Đại học Vrije Universiteit Brussel (Bỉ) công bố tuyển 12 vị trí cho các nhà nghiên cứu quốc tế, với trọng tâm là các học giả người Mỹ. 

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters, Politico)

Chia sẻ bài viết