03/06/2022 - 23:07

Mỹ “đổi giọng” với Saudi Arabia 

HẠNH NGUYÊN

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Joe Biden từng tuyên bố sẽ trừng phạt Saudi Arabia do liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhưng giờ đây ông muốn cải thiện quan hệ với Riyadh trong nỗ lực tìm cách làm giảm giá xăng dầu trong nước và cô lập Nga ở nước ngoài.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden (trái) chưa gặp trực tiếp Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: CNN

Báo chí Mỹ ngày 2-6 dẫn các nguồn giấu tên cho biết Tổng thống Biden sẽ tới thăm Riyadh vào cuối tháng này và dự kiến gặp Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị thực tế tại Saudi Arabia hiện nay. Ðây là điểm dừng chân mới trong chuyến công du châu Âu và Israel được lên kế hoạch từ trước của ông Biden. Trong vài tuần qua, Riyadh cũng đã đón tiếp nhiều quan chức Mỹ tới thăm, như Ðiều phối viên chính sách Trung Ðông của Nhà Trắng Brett McGurk hay Ðặc phái viên Mỹ về Năng lượng Amos Hochstein.

Chính sách ngoại giao và chuyến công du sắp tới của ông Biden báo hiệu nỗ lực hàn gắn rạn nứt trong quan hệ giữa Washington và Riyadh vốn bắt nguồn từ cái chết của Jamal Khashoggi. Tình báo Mỹ đã kết luận chính Thái tử Mohammed bin Salman ra lệnh thủ tiêu nhà báo bất đồng chính kiến này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018.

Trong khi người tiền nhiệm Donald Trump duy trì quan hệ nồng ấm với Saudi Arabia, ông Biden từng hứa sẽ áp dụng một chính sách khác nếu đắc cử tổng thống. Ông khẳng định sẽ buộc Saudi Arabia “phải trả giá” và gọi đây là quốc gia “bị bài xích”. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã công bố tài liệu tình báo về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, đồng thời áp lệnh trừng phạt với một số nhân vật liên quan vụ này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ lại không làm điều tương tự với Thái tử Mohammed bin Salman. Chính quyền Washington lập luận rằng họ không sẵn sàng kết thúc tình hữu nghị tồn tại gần 8 thập niên giữa Mỹ và Saudi Arabia. “Saudi Arabia là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc đối phó với chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và những thách thức từ Iran”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập tạp chí Foreign Affairs ngày 1-6.

Chính quyền ông Biden cũng hài lòng với việc Saudi Arabia tham gia vào nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga hồi tháng 3. Nga là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và sản xuất dầu lớn thứ hai sau Saudi Arabia.

Ý đồ của Washington

Chính quyền ông Biden đã tăng cường hợp tác với Saudi Arabia về nhiều vấn đề thậm chí trước khi xung đột tại Ukraine làm xáo trộn các thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là tìm cách kết thúc cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy Houthi kéo dài 8 năm ở Yemen mà Riyadh dẫn đầu. Lệnh ngừng bắn tại Yemen vừa được gia hạn thêm 2 tháng và chủ nhân Nhà Trắng lập tức ca ngợi các lãnh đạo Saudi Arabia vì đóng vai trò trong việc đạt được thỏa thuận này.

Theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại, chuyến thăm Riyadh của ông Biden cho thấy chiến thắng của chính trị thực dụng trước sự phẫn nộ về đạo đức. “Chuyến công du của ông Biden có thể thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Yemen, thỏa thuận có thể cứu sống hàng ngàn người. Tuy nhiên, người Mỹ đang nhắm tới giá khí đốt, chứ không phải Yemen”, chuyên gia Bruce Riedel tại Viện Brookings nhận định.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Biden nhận thấy cần phải “ve vãn” các nhà sản xuất năng lượng khác để thay thế nguồn cung dầu từ Mát-xcơ-va và ổn định thị trường thế giới. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác, còn gọi là OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu, ngày 2-6 đã quyết định tăng thêm sản lượng dầu thô để bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Nga. Cụ thể, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khoảng 650.000 thùng/ngày trong hai tháng tới thay vì mức 432.000 thùng/ngày như hiện tại. Saudi Arabia cũng đã nhận được lời khen từ Nhà Trắng vì giúp đạt được sự đồng thuận này.

Giới chức Mỹ hy vọng OPEC+ hành động nhiều hơn vào mùa thu tới, nhưng như thế có thể vẫn không đủ để hạ giá tại các trạm xăng dầu trong nước trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Chia sẻ bài viết