19/01/2018 - 09:57

Mỹ có thể hiện diện quân sự lâu dài tại Syria 

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford hôm 17-1, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phát tín hiệu về sự hiện diện quân sự không xác định thời gian của Mỹ ở Syria.

Quân đội Mỹ và các tay súng người Kurd ở Syria. Ảnh: AFP

Quân đội Mỹ và các tay súng người Kurd ở Syria. Ảnh: AFP

Trong chính sách mới của Mỹ về vấn đề Syria, ông Tillerson vạch ra 5 mục tiêu gồm: ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda, mở đường cho giải pháp ngoại giao liên quan đến sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kiềm chế Iran, tạo điều kiện để người tị nạn trở về nhà an toàn và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học còn sót lại tại quốc gia Trung Đông này.

Hiện có khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Syria - đất nước chìm trong nội chiến gần 7 năm qua. Trong khi quân đội Mỹ tập trung nỗ lực đẩy lùi IS, Ngoại trưởng Tillerson cảnh báo al-Qaeda vẫn là mối đe dọa lớn. Trong bài phát biểu trên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết Washington sẽ “tích cực ủng hộ” tiến trình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria, đồng thời kêu gọi Nga “gây sức ép mới” để chính quyền Damascus tham gia nỗ lực hòa bình của LHQ.

Lần đầu tiên, ông Tillerson nêu rõ một trong những mục tiêu của việc Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Syria là ngăn chặn “chiến lược của Iran hòng kiểm soát một vùng rộng lớn ở Trung Đông”, trải dài từ Afghanistan đến Lebanon. Theo ông, vắng mặt Washington ở Syria sẽ tạo cơ hội cho Tehran tăng cường vị thế của họ tại nước này. Ngoài ra, Washington cũng sẽ thực thi “những sáng kiến ổn định”, chẳng hạn như thu dọn bom mìn và khôi phục hạ tầng tại những khu vực không còn bị IS kiểm soát ở Syria.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi Nga thông báo giảm sự hiện diện quân sự tại Syria. Trong chuyến thăm Syria hồi tháng rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin quyết định rút một phần đáng kể lực lượng Nga ở Syria về nước sau khi quân đội hai nước đã “tiêu diệt hầu hết các nhóm khủng bố quốc tế cứng đầu”. Mát-xcơ-va tiếp tục duy trì hai căn cứ tại đây là Hmeimim và cơ sở hải quân Tartus.

Tình hình là thế, nhưng cuộc khủng hoảng đang nổ ra trên biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ tiềm ẩn nguy cơ lôi kéo quân đội Mỹ vào cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực. Hôm 17-1, đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nhanh chóng hành động để đảm bảo an toàn cho những khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía Bắc Syria, bao gồm vùng Afrin mà Thổ Nhĩ Kỳ dọa sẽ tấn công.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan liên tục cảnh báo về khả năng tấn công Afrin sau khi Washington cho biết sẽ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thành lập một đội quân gồm 30.000 người hoạt động trên biên giới Syria với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch này chọc giận Ankara bởi lâu nay họ coi các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn là “phần tử khủng bố” và là sự mở rộng cuộc nổi dậy của người Kurd ở phía Đông Nam nước này.

THANH BÌNH (Theo Reuters, NYTimes, AP)

Chia sẻ bài viết