20/01/2012 - 11:04

Mùa xuân đến rồi đó!

Phóng sự: Vân Lâm

Những năm qua, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong việc quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hòa chung niềm vui đầu năm mới, đồng bào Khmer ở thành phố Cần Thơ rộn ràng vui xuân trong niềm vui yên bình, hạnh phúc...

* Khát vọng vươn lên

Đến xã Định Môn (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) dịp cuối năm, chúng tôi thật phấn khởi trước những đổi thay ở vùng quê này. Đường sá, cầu cống được nâng cấp, sửa chữa, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân được thuận tiện, dễ dàng hơn. Trong khu vườn rộng rãi liền kề căn nhà tường khang trang mới xây, lão nông Đào Phấn đang chăm sóc hoa kiểng, chuẩn bị đón Tết. Ở tuổi 60, lão nông Đào Phấn giờ có thể thảnh thơi an hưởng tuổi già với cơ ngơi vững chắc, nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nước da rám nắng, đôi bàn tay thô ráp, đầy sẹo, chai sần... là những dấu vết sau bao năm lao động vất vả của lão nông Đào Phấn. Vươn lên từ nghèo khó, vợ chồng ông Đào Phấn không chỉ được bà con lối xóm quý mến ở tính cần cù lao động mà còn là tấm gương vượt khó làm giàu. “Ở xứ này, mấy chục năm trước, khó tay nào cắt lúa mướn qua Đào Phấn à nghen!” - ông Thạch Đông, thường nói thế mỗi khi nhắc đến ông bạn già của mình.

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ đang tập với dàn nhạc ngũ âm để phục vụ văn nghệ dịp Tết Nhâm Thìn 2012.
Ảnh: BÍCH NGỌC 

Ngày ra riêng, vợ chồng ông Đào Phấn sống trong căn nhà lá đơn sơ, trống trước hở sau. Cái khổ càng nhân lên khi 4 đứa con của họ lần lượt ra đời. Lúc đó, hết việc làm thuê trong xóm thì vợ chồng ông gởi con, khăn gói đến tận miệt Thoại Sơn, Tri Tôn (tỉnh An Giang) cắt lúa mướn, chở đất thuê. Gia cảnh khó khăn, nhưng nhờ biết cách làm ăn, cộng với tính cần cù, tiết kiệm trong chi tiêu, không lâu sau, vợ chồng ông Đào Phấn đã dành dụm mua được đất mở rộng sản xuất. Kể lại chuyện tăng năng suất trồng trọt, chăn nuôi, ông Đào Phấn hồ hởi nói: “Vốn thì được vay ưu đãi, kỹ thuật thì có các lớp tập huấn của ngành khuyến nông, kinh nghiệm thì từ thực tế, cộng với quyết tâm, khát khao làm giàu, gia đình tôi từ cây lúa, con heo,... mà khá thôi...”. Từ tay trắng, giờ gia đình ông Đào Phấn sở hữu trên 3 mẫu ruộng, một trang trại chăn nuôi heo và còn mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc thú y,... Với mong muốn giúp nhau cùng thoát nghèo, lão nông Đào Phấn không chỉ thường xuyên giúp vốn, bán chịu con giống, vật tư mà còn tặng khung nhà cho bà con nghèo, với lời động viên “Chỉ sợ không có sức khỏe, không quyết tâm thoát nghèo, chứ đừng sợ không có cơ hội...”.

Khâm phục và noi gương phấn đấu làm giàu của lão nông Đào Phấn, ông bạn hàng xóm Đào Sinh cũng là một trong những hộ Khmer khá lên nhờ chí thú làm ăn và nuôi dạy con cái tốt. Cuối năm, nghe 2 người con của ông Đào Sinh là Đào Tín và Đào Nam về quê ăn Tết, ông Lâm Thành hàng xóm của ông Đào Sinh, bắt con gà mái tơ và ra vườn chặt khúc chuối non đem qua nhà ông Đào Sinh nấu cháo làm gỏi cho hai đứa ăn, sẵn dịp lai rai với ông bạn già. Vừa nâng cốc rượu gạo nấu nhà, ông Lâm Thành khen: “Đào Sinh hay thiệt nghen! Đứa lớn sắp nhận bằng cử nhân thì đứa nhỏ vào cao đẳng. Công nhận vợ chồng ông khéo chăm, dạy con”. Nhận lời khen từ ông bạn láng giềng, uống liền mấy cốc rượu nghe ấm cả lòng, miệng ông Đào Sinh nở nụ cười rạng rỡ, mắt lấp lánh niềm tự hào.

Dù chữ nghĩa không nhiều nhưng ở xóm này ông được coi là người tiến bộ từ suy nghĩ đến cách làm. Ông nói với vợ, Nhà nước cho sinh hai con thì mình dừng ở hai con. Dù cuộc sống vất vả nhưng vợ chồng ông dạy bảo con cái nề nếp và chung tâm nguyện lo cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Nhắc lại thuở khó khăn, giọng ông Đào Sinh đầy xúc động: “Có hôm trong nhà không còn hột gạo, con đi học xa về thăm nhà, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo. Để có tiền lo cho chúng, vợ chồng tôi vay mượn khắp xóm, nhưng đâu cho con biết, sợ chúng phân tâm không học tốt. May nhờ Nhà nước có chính sách ưu tiên cho con em người dân tộc thiểu số, tiếp sức để gia đình tôi cho con cái học hành đàng hoàng...”. Ông thường nói với các con: “Cha mẹ vui lắm, không chỉ vì trúng mùa, đời sống khấm khá mà là các con đã làm được điều ba mẹ ao ước...”.

Định Môn là một trong những địa phương của huyện Thới Lai có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, các chương trình như: hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ học tập đã thổi một luồng gió mới, giúp bà con Khmer có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Ông Liêu Xem, cán bộ LĐ-TB&XH của UBND xã Định Môn phấn khởi nói: “Toàn xã có gần 200 hộ đồng bào Khmer sinh sống. Nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nâng lên rõ rệt, đến nay số hộ nghèo chỉ còn 17%; số hộ khá giả, con cái học đại học, cao đẳng tăng hàng năm”.

* Vui đón xuân về

Cận Tết, không khí lao động tại công trình Khu dân cư dành cho đồng bào Khmer ở xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh) thật rộn rịp, công nhân í ới, chọc nhau: “Lẹ đi anh em ơi, gấp như gấp Tết mà!”. Những hàng cột nhà đã dựng lên thẳng tắp, hình hài khu dân cư dần hình thành. “Anh em tôi đang chạy nước rút, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình, để bà con dọn vào nhà mới đón Tết” - anh Lê Văn Thanh, ở phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), công nhân thi công công trình, hồ hởi nói.

Giữa năm 2011, đồng bào dân tộc Khmer huyện Vĩnh Thạnh vui mừng khôn xiết khi biết huyện Vĩnh Thạnh có chủ trương xây dựng Khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc Khmer. Ông Liêu Ngọc Lượng, Trưởng ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình, khoe: “Công trình này khang trang lắm! Nào là đường giao thông nội bộ, hệ thống cung cấp nước sạch, điện chiếu sáng công cộng, công viên cây xanh, chẳng khác nào khu dân cư nội thành thứ thiệt. Khi hoàn thành, bố trí cho hơn 20 hộ đồng bào Khmer của huyện có hoàn cảnh khó khăn vào ở”. Công trình này là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh trong việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, nhất là những hộ không có đất ở.

Hơn chục năm nay, từ ngày ra riêng, quần quật làm thuê kiếm sống, vợ chồng anh Lâm Thiên, ở xã Vĩnh Bình, vẫn không đủ tiền mua đất cất nhà. Nằm cặp sông, căn nhà trống trước hở sau chưa đầy 30m2 của vợ chồng anh cất tạm trên phần đất mượn của hàng xóm. Nghe tin mình có tên trong danh sách được bố trí vào ở trong Khu dân cư, anh Lâm Thiên mừng quýnh quáng. Phủi phủi tấm vạt tre, anh kéo tay tôi: “Ngồi tạm đây đi nhà báo. Sắp có nhà mới rồi. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn, lo cho con cái học hành. An cư rồi thì lạc nghiệp mấy hồi. Lần tới, nhà báo ghé nhà anh, có chỗ ngồi đàng hoàng,...”.

Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã giải quyết đất ở cho 78 hộ Khmer. Công trình xây dựng Khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc Khmer đã và đang triển khai, thực hiện ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Ô Môn, hứa hẹn một tương lai ổn định lâu dài cho hơn 200 hộ khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, thành phố còn đẩy mạnh việc hỗ trợ sản xuất thông qua các chương trình dân sinh như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mua máy móc, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn sản xuất... tạo điều kiện cho đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống.

Chia tay vợ chồng anh Lâm Thiên, tôi đến xem đội đua ghe ngo đang tập luyện gần Chùa Settodor (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) lúc ánh chiều ngấp nghé dưới dòng sông Cờ Đỏ thơ mộng. Từ xa, tôi đã nghe tiếng reo hò hòa nhịp với tiếng còi thúc giục, tiếng cổ vũ như một dàn đồng ca sinh động. Hơn 50 vận động viên nỗ lực tập luyện để tranh tài trong cuộc thi đua ghe ngo Tết Nhâm Thìn ở tỉnh bạn. Anh Chung Khiết, ngụ xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, thành viên kỳ cựu của đội đua ghe ngo cho biết, chiếc ghe ngo gần trăm năm tuổi giờ đã về “hưu”, được bảo quản kỹ ở Chùa Settodor như vật chứng thời gian, vừa mang giá trị văn hóa truyền thống. Chiếc ghe ngo đóng mới trị giá gần 400 triệu đồng, được thành phố hỗ trợ phân nửa kinh phí, ngày hạ thủy, bà con Khmer vui mừng kéo đến xem đông như ngày hội. Các thành viên trong đội đua ghe ngo ai nấy phấn khởi, nỗ lực tập luyện, quyết tâm tranh tài đạt thứ hạng cao trong dịp đua sắp tới.

Trên đường về, tôi tình cờ gặp lại ba cha con ông Đào Sinh. Ông mời: “Nhà báo ghé thăm trường cũ của anh em Đào Tín luôn đi. Trường giờ xây mới đẹp lắm! Hai đứa muốn thăm trường, thăm thầy...”. Lúc chúng tôi đến, tiếng trống tan trường cũng rền vang. Thầy Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng Trường PTTH Dân tộc nội trú thành phố, nở nụ cười rạng rỡ khi thấy hai cựu học sinh của trường giờ đã đỗ đạt, trưởng thành. Trong lúc chúng tôi cùng trò chuyện rôm rả bên tách trà nóng, từ hội trường, tiếng nhạc rộn ràng vọng ra. Thầy Triệu khoe: “Đội văn nghệ của trường đang tập luyện để phục vụ bà con dịp Tết Nguyên đán. Chủ yếu là cây nhà lá vườn, tuy không sánh bằng đội văn nghệ chuyên nghiệp nhưng được phục vụ bà con địa phương, thầy trò đều vui lắm!”.

***

Tôi ra về đèn đường cũng vừa bật sáng. Vũ điệu Lâm Thôn sôi động cùng tiếng nhạc mừng xuân của thầy trò Trường PTTH Dân tộc nội trú thành phố khiến lòng tôi lâng lâng. Tin rằng, với khát vọng vươn lên, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đời sống bà con dân tộc Khmer ngày càng ấm no, hạnh phúc, quanh năm như có xuân về!

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
mua xuan