30/06/2013 - 19:53

Một năm cầm quyền “đầy sóng gió” của Tổng thống Ai Cập

Hôm qua (30-6) đã đánh dấu tròn một năm ngày Tổng thống dân sự đầu tiên của Ai Cập Mohammed Morsi lên nắm quyền điều hành đất nước. Dù đạt được một số thành tựu nhất định trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với một số nước, song ông Morsi vẫn chưa thể xua tan bầu không khí căng thẳng đang gây chia rẽ dư luận xứ sở Kim tự tháp.

 Tổng thống Morsi. Ảnh: Reuters

Theo Mohamed El Mekkawi- cố vấn cho Bộ trưởng Tài chính Ai Cập và cũng là thành viên của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của Tổng thống Morsi, một trong những thành tựu qua 12 tháng điều hành của ông Morsi là việc chính quyền Cairo đã có được sự phục vụ người dân nhiều hơn các quan chức từ chế độ quân đội. Tổng thống Morsi được cho đã thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập với các nước như Trung Quốc, Nga và Brazil cũng như tìm kiếm được những khoản vay với lãi suất thấp từ các nước khác trong khu vực giữa lúc "tài trợ" từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn còn "lấp lửng".

Tuy nhiên, theo hãng tin Mỹ AP, những nỗ lực trên của Tổng thống Morsi cũng không thể níu lại được sự ủng hộ đang ngày càng "lao dốc" dành cho ông, Theo Trung tâm nghiên cứu dư luận Ai Cập, tỷ lệ tín nhiệm của công chúng đối với Tổng thống Morsi đã giảm mạnh trong suốt 12 tháng qua, cụ thể từ 79% hồi giữa năm 2012 xuống chỉ còn 32% vào cuối tháng 6.

Dư luận cho rằng những tháng ngày "mật ngọt" của Tổng thống Morsi đã kết thúc vào tháng 11-2012 sau khi ông bất ngờ ban hành Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi nhằm gọi là "bảo vệ dân chủ và các thể chế". Tuy nhiên, hành động này bị cho là "thâu tóm" cả quyền tư pháp.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích thì cho rằng mấu chốt nằm ở chỗ đời sống người dân Ai Cập không được cải thiện kể từ khi ông Morsi lên nắm quyền. Kinh tế tiếp tục đà suy thoái, chính phủ không thể thúc đẩy ngành du lịch cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Giá cả thực phẩm thì bị đẩy lên trong khi nạn thất nghiệp lại tăng cao lến đến 13%. Thiếu hụt nhiên liệu cũng là nằm danh sách những lời than phiền nhiều nhất của người dân đối với chính quyền của ông Morsi.

Hôm 29-6, phong trào đối lập tuyên bố họ đã thu thập được hơn 22 triệu chữ ký của những người phản đối đòi ông Morsi từ chức thông qua bản kiến nghị mang tên "Tamarod" (Nổi dậy). Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc biểu tình lớn diễn ra vào (30-6) có thể quyết định tương lai của Tổng thống Ai Cập. Phe Hồi giáo cầm quyền cảnh báo cuộc biểu tình của cả hai phe có thể bị biến thành "nội chiến đẫm máu". Nhiều người còn lo sợ diễn biến trong ngày sẽ sớm mất kiểm soát và hậu quả có thể đẩy Ai Cập rơi vào vòng xoáy bạo lực chính trị mới.

Đụng độ dữ dội giữa những người biểu tình và lực lượng ủng hộ tổng thống đã bùng phát từ hôm 28-6 ở thành phố cảng Alexandria thuộc phía Bắc Ai Cập, khiến 8 người chết, trong đó có một sinh viên Mỹ và hàng trăm người bị thương.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết