20/03/2009 - 22:06

Máy bay không người lái - Vũ khí chống khủng bố của Mỹ

Máy bay Predator đang phóng tên lửa ở Afghanistan.
Ảnh: historycommons.com

“Hoàn hảo là kẻ thù của cái tốt”. Vận dụng danh ngôn của Voltaire, Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái điều khiển từ xa như con át chủ bài trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố Al Qaeda bất chấp hệ thống vũ khí mới này vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

Gần đây nhất, hôm 14-3, máy bay do thám không người lái Mỹ phóng rốc-két xuống nhà một thủ lĩnh phiến quân ở Tây Bắc Pakistan, làm ít nhất 4 người thiệt mạng. Giới chức Ngũ Giác Đài gọi những chiếc oanh tạc cơ dài 8m và có khả năng truyền thông tin trực tiếp về trung tâm điều khiển liên tục trong 22 giờ này là vũ khí hiệu quả nhất giúp lần ra dấu vết của các phần tử khủng bố và hạn chế thương vong cho quân nhân ở Iraq và Afghanistan.

Hiện nay, Không quân Mỹ phụ trách phi đội Predator (Dã thú), một trong hai loại máy bay do thám không người lái hiện nay của Mỹ, ở Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, Cục Tình báo trung ương (CIA) chịu trách nhiệm triển khai máy bay không người lái ở Pakistan - nơi Lầu Năm Góc mấy tháng gần đây thực hiện hơn 30 cuộc oanh tạc bằng máy bay không người lái nhằm vào các thủ lĩnh al Qaeda và Taliban. Các tư lệnh chiến trường cho rằng với khả năng giám sát hàng giờ mục tiêu và truyền tức thời hình ảnh video về hoạt động của các phần tử khủng bố, Predator trị giá 4,5 triệu USD/chiếc là chìa khóa giúp giảm thiểu sát thương do bom lề đường, cũng như nhận dạng cứ địa của al Qaeda. Ngoài ra, sử dụng Predator còn giúp giảm thiểu thương vong cho dân thường do máy bay quan sát mục tiêu trong thời gian lâu nên tấn công chính xác hơn.

Hiện tại, phi đội máy bay không người lái của Không quân Mỹ tăng lên 195 chiếc Predator và 28 chiếc Reaper (Thần chết), phiên bản cải tiến của Predator và được trang bị vũ khí tối tân hơn. Nếu kể luôn phi đội quân đội Mỹ sử dụng để phản công các vụ đánh bom lề đường và những chiếc nhỏ phóng bằng tay giúp binh lính quan sát vùng đồi hoặc tòa nhà phía trước, tổng số máy bay quân sự không người lái của Mỹ hiện nay là 5.500 chiếc, tăng hơn 30 lần so với 167 chiếc vào năm 2001. Trong hai năm 2007 và 2008, Predator và Reaper tham gia 244 trong tổng số gần 11.000 chiến dịch nã rốc-két ở Iraq và Afghanistan. Hiện bình quân mỗi ngày, “anh em” Predator và Reaper thực hiện 34 cuộc tuần tra do thám ở Iraq và Afghanistan, và hằng tháng truyền khoảng 16.000 giờ hình ảnh video về tổng hành dinh ở Mỹ. Khi Predator phát hiện mục tiêu, các trung tâm chỉ huy tại Iraq và Afghanistan sẽ quan sát hình ảnh video trước khi quyết định có tấn công hay không.

Do Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh triển khai Predator và Reaper với mong muốn kết thúc thắng lợi cuộc chiến chống khủng bố dài đăng đẳng, nên dòng máy bay không người lái này luôn hút hàng, dẫn đến tình trạng “vừa sử dụng vừa rút kinh nghiệm”, và bỏ qua các qui trình kiểm định thông thường. Không quân Mỹ thừa nhận hơn 1/3 số máy bay Predator (khoảng 70 chiếc) đã bị rơi trong lúc tác chiến, phần lớn ở Iraq và Afghanistan. Nguyên nhân tai nạn được cho bắt nguồn từ việc triển khai máy bay còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, cũng như từ việc hoãn thay thế các trạm điều khiển nhằm tránh làm gián đoạn nguồn cung cấp tin tình báo. Bên cạnh đó, việc sắp xếp không hợp lý một số nút trên bảng điều khiển, chẳng hạn như nút bắn rốc-két nằm rất gần nút khóa động cơ máy bay, cũng là một tác nhân dẫn đến tai nạn.

QUỐC CHÂU (Theo IHT)

Máy bay Predator đang phóng tên lửa ở Afghanistan. Ảnh: historycommons.com

Chia sẻ bài viết