13/05/2019 - 05:57

Malaysia khởi động kế hoạch kinh tế mới 

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (ảnh) vừa công bố sáng kiến “Thịnh vượng chung” nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững vào năm 2030 trong bối cảnh có nhiều lời bàn tán cho rằng Liên minh Hy vọng (Harapan Pakatan) một năm tuổi của ông không đưa ra được chính sách rõ ràng đối với sự phát triển của đất nước.

Ảnh: Independent

Ảnh: Independent

Theo đó, “Thịnh vượng chung” sẽ thay thế sáng kiến Tầm nhìn 2030 vốn được triển khai nhằm biến Malaysia trở thành quốc gia phát triển vào năm tới, đồng thời sẽ tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và sự phân hóa thành thị - nông thôn. “Thịnh vượng chung là một nỗ lực để biến Malaysia trở thành một quốc gia tiếp tục phát triển bền vững cùng với sự tăng trưởng công bằng ở mỗi chuỗi giá trị, tầng lớp, chủng tộc và địa lý cho đến khi có sự hòa hợp và ổn định của người dân vào năm 2030” – Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh trên truyền hình.

Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo 93 tuổi cũng nhắc đến Chính sách Kinh tế Quốc gia (NEP), nói rằng phép đo về sự phát triển và thịnh vượng của “Thịnh vượng chung” sẽ phức tạp hơn nhiều so với tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo của NEP. Theo Yeah Kim Leng, Giáo sư kinh tế tại Đại học Sunway (Malaysia), chính sách này cho thấy sự chuyển hướng sang chiến lược phát triển toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào tăng trưởng doanh thu hoặc vào một nhóm cụ thể.

Trước đó, trong cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài, Thủ tướng Mahathir nói rằng chính quyền của ông sẽ tập trung phát triển kinh tế trong năm thứ hai của nhiệm kỳ, sau khi tập trung giải quyết nạn tham nhũng trong năm đầu tiên. Nhà lãnh đạo Malaysia tuyên bố ông sẽ đưa ra những thay đổi về kinh tế trong khoảng thời gian 2 năm.

Thật vậy, nền kinh tế Malaysia phát triển chậm hơn dưới thời Thủ tướng Mahathir. Tăng trưởng GDP  chỉ ở mức 4,7% trong năm 2018, so với 5,9% trong năm 2017. Điều đáng nói là, chính quyền Mahathir đã đẩy thâm hụt ngân sách lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua khi chiếm 3,7% GDP vào năm ngoái.  Các cam kết về xóa bỏ phí đường bộ và xóa bỏ các khoản vay của sinh viên lại không được thực hiện. Và khi vốn đầu tư nước ngoài vào Malaysia giảm mạnh, ông Mahathir bắt đầu nỗ lực mới khi thay đổi chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, chẳng hạn đàm phán lại dự án đường sắt ở duyên hải phía Đông. Ông còn cam kết xem xét yêu cầu của các công ty Trung Quốc lập trung tâm một cửa tạo thuận lợi cho đầu tư tại Malaysia. 

Tình trạng trên đã khiến nhiều cử tri thất vọng. “Họ không thực hiện được những gì mà chúng tôi mong đợi. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng thất vọng. Chúng tôi có cảm giác tất cả các quyết định quan trọng mà họ nên đưa ra đã bị từ bỏ” - Siti Kasim, một nhà hoạt động ủng hộ Harapan Pakatan, bày tỏ.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Merdeka, tổ chức thăm dò dư luận hàng đầu Malaysia, công bố hồi cuối tháng rồi cho thấy chỉ 39% người dân hài lòng với chính phủ hiện tại, trong khi có đến 46%  cho rằng nước này đã “đi sai hướng”. Cần biết rằng ngay sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ dành cho Harapan Pakatan là 79%. Trong khi đó, Thủ tướng Mahathir cho biết ông chưa thể đưa ra thời điểm cụ thể trao lại quyền lực trong 2 năm như đã hứa.

TRÍ VĂN (Theo Straitstimes, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết