10/10/2011 - 08:46

Lũ khẩn cấp sông Cửu Long

* AN GIANG-LONG AN: Đưa hộ dân vùng sạt lở vào sinh sống ổn định
trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ

(TTXVN)- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lũ thượng nguồn sông Mê Công đang xuống, hạ lưu lên chậm. Mực nước tại một số trạm chính lúc 7 giờ ngày 9-10 như sau: Trạm Viên Chăn 6,66 (Đang xuống); trạm Pắk Sế 10,09 (Đang xuống); trạm Stung Treng 9,20 (Đang xuống); Kra Chiê 20,98 (Đang xuống); Cảng Phnom Penh 9,96 (Đang lên); Phnom Penh Basac 10,85 (Đang lên).

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đang lên chậm. Mực nước cao nhất ngày 8-10, trên sông Cửu Long như sau: Trạm Tân Châu trên sông Tiền 4,76m, cao hơn BĐ3: 0,26m; trạm Cao Lãnh 2,35m, cao hơn BĐ3: 0,05m; trạm Châu Đốc trên sông Hậu 4,23m, cao hơn BĐ3: 0,23m; trạm Long Xuyên 2,58, cao hơn BĐ3: 0,08m; Xuân Tô (Vĩnh Tế) 4,43m, cao hơn BĐ3: 0,43m; Chợ Mới (Ông Chưởng) 3,37m, cao hơn BĐ3: 0,37m. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lũ đang lên; mực nước lúc 7 giờ ngày 9-10 là 2,68m, trên báo động 3 (BĐ3): 0,28m.

Dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm; vùng nội đồng ĐTM và TGLX tiếp tục lên và còn duy trì trên BĐ3 đến cuối tháng 10. Đến ngày 13-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,8m (trên BĐ3: 0,3m), tại Châu Đốc ở mức 4,25m (trên BĐ3: 0,25m), tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX ở mức BĐ3, có nơi trên BĐ3 từ 0,2 - 0,4m. Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên, đến ngày 13-10 ở mức 2,85m, trên BĐ3: 0,45m.

Cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập lụt sâu còn tiếp diễn ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long và ĐTM, TGLX.

* Theo Sở Xây dựng tỉnh An Giang, nhờ tranh thủ hoàn thành sớm phần tôn nền của 42 cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn II (2008 - 2013) nên từ đầu mùa lũ 2011 đến nay, tỉnh An Giang kịp thời đưa 800 hộ dân có nhà bị ngập lũ, sạt lở vào sinh sống ổn định, an toàn; phát huy có hiệu quả các công trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn.

Theo kế hoạch, “Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ” giai đoạn II ở tỉnh An Giang có tổng diện tích trên 224 ha, kinh phí trên 1.074 tỉ đồng, tạo 12.616 nền nhà. Đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành tôn nền 100% cụm, tuyến; đã khởi công hệ thống giao thông, thoát nước cho trên 57% công trình; triển khai 16,66% hệ thống nước sinh hoạt và 7,14% cụm, tuyến có hệ thống điện (hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng). Đến nay, toàn tỉnh đã bố trí cho 2.500 hộ dân thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Thành, Châu Đốc, Thoại Sơn vào sinh sống tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Đây chủ yếu là hộ có nhà ở cạnh bờ sông, kinh, rạch nằm trong diện phải di dời để đảm bảo vệ sinh môi trường; hộ có nhà bị ngập do lũ; hộ có nhà nằm trong vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở; hộ nghèo...

* Ở Long An, mùa lũ năm nay về sớm gần 1 tháng so với nhiều năm qua, cường suất lũ lên nhanh, dự báo đỉnh lũ năm nay đạt từ 3,8-3,9m, xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Hiện tại có hơn 5.500 hộ bị ngập nhà cửa sống chủ yếu dọc theo sông rạch. Theo báo các ở các huyện vùng lũ là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ và phía Bắc của huyện Thủ Thừa hiện đã bố trí hơn 16.000 hộ sống trong vùng trũng thấp hàng năm đã vào an cư lạc nghiệp ở 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, chung sống với lũ.

Trong 16.000 hộ dân vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ đã ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 30% hộ ngoài việc làm ruộng bà con còn có thêm nghề phụ như buôn bán tạp hóa, nuoi trồng thủy sản, sửa chữa máy nông cơ, đan giỏ xách, thảm, may nên cuộc sống của họ được an cư ở cụm, tuyến.

Chia sẻ bài viết