11/03/2010 - 21:52

Liệu “IMF của châu Âu” có thành hiện thực?

Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Pháp Fillon tại Berlin ngày 10-3. Ảnh: AP

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin ngày 10-3, Thủ tướng Pháp Francois Fillon tuyên bố hai bên nhất trí tìm kiếm những phương thức giải quyết một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai nếu xảy ra tương tự như Hy Lạp, trong đó có sáng kiến về việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo ông Fillon, cả Đức và Pháp nhận thấy EMF không có gì trùng lắp hay xung đột với IMF.

Khu vực đồng euro hiện nay chưa có công cụ nào để cứu giúp một quốc gia thành viên đối phó với cuộc khủng hoảng lòng tin trên thị trường tài chính. Hiệp ước hoạt động của EU cũng cấm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay các quốc gia thành viên cứu một quốc gia khu vực đồng euro khi bị vỡ nợ. Ngược lại, khu vực này lại có Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định có thể áp đặt biện pháp trừng phạt (như cắt giảm ngân sách trợ cấp) đối với quốc gia thành viên để thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP hay để nợ công chiếm hơn 60% GDP. Mục tiêu của hiệp ước này là ngăn ngừa khả năng xảy ra vỡ nợ trong khu vực đồng euro. Như vậy, Hy Lạp phải tìm cách tự cứu lấy mình. Tuy nhiên, theo tờ La Libération, dưới áp lực của Pháp, tất cả 16 quốc gia thành viên khu vực đồng euro đã thống nhất sẽ mua khoảng 20-25 tỉ euro trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp nếu Athens không tự vượt qua được khó khăn.

Trong bối cảnh cấp bách cần phải giải quyết nguy cơ sụp đổ của một quốc gia thành viên, có ý kiến trong khu vực đồng euro yêu cầu EU sửa đổi hiệp ước của khối, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các quốc gia trong khu vực có thể ký một thỏa thuận liên chính phủ hoạt động không theo cơ chế hiện hành (Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa nhiều nước châu Âu cũng hoạt động theo cơ chế riêng không có trong các hiệp ước của EU). Do đó, sự ra đời của EMF không có gì khó, chỉ đòi hỏi thiện chí của các nước thành viên. Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cũng tuyên bố sẽ xem xét đề xuất này. Theo các chuyên gia tài chính Đức, EMF cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn của IMF, nghĩa là buộc nước nhận tiền cứu trợ phải tiến hành cải cách cơ cấu hệ thống kinh tế và thậm chí bị phạt nếu không tôn trọng cam kết. Theo Daniel Gors và Thomas Mayer, hai người từng đưa ra sáng kiến thành lập EMF hồi tháng 2. Nếu được thành lập từ khi đồng euro ra đời năm 1999, EMF hiện có số vốn khoảng 120 tỉ euro. Bản thân Hy Lạp đang cần 22 tỉ euro trong tháng 5 và tổng cộng 53 tỉ euro trong năm nay để trả nợ đáo hạn.

Dư luận cho rằng sự ra đời của EMF là hoàn toàn khả thi. Châu Á từng đề ra sáng kiến thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á nhằm sẵn sàng đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ như năm 1997-1998, nhưng hiện nay vẫn chưa hội đủ các điều kiện cần thiết. EMF biết đâu sẽ khích lệ các khu vực khác trên thế giới noi theo trong nỗ lực làm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào IMF.

Cũng chính vì vậy, người ta cho rằng Mỹ và IMF sẽ phản đối việc thành lập EMF. Ngay cả một số quan chức tiền tệ châu Âu cũng không tán đồng. Nhà kinh tế hàng đầu của ECB, ông Juergen Stark, cho rằng định chế tài chính mới có thể sẽ rất tốn kém, tạo ra những động cơ sai lệch, khuyến khích chi tiêu bừa bãi và chất gánh nặng lên những quốc gia có nguồn tài chính công vững vàng hơn. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Axel Weber thậm chí còn cảnh báo EMF sẽ phản tác dụng, chỉ khiến những thể chế hiện hành bị phớt lờ.

PHÚC NGUYÊN
(Theo AFP, Libération, Dowjones, TTXVN)

Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Pháp Fillon tại Berlin ngày 10-3. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
IMFchâu Âu