03/10/2020 - 08:34

LHQ và WHO kêu gọi ưu tiên bảo vệ người cao tuổi trong cuộc chiến chống COVID-19

Ngày 1-10, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (TKK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi ưu tiên bảo vệ người cao tuổi trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19.

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi thế giới (1-10), TTK LHQ nhấn mạnh thế giới đánh dấu lần thứ 30 kỷ niệm ngày này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, đặc biệt nhóm người cao tuổi là nhóm có nguy cơ cao chịu những hậu quả nặng nề của dịch bệnh, không chỉ về sức khỏe mà cả về quyền và phúc lợi. Vì vậy, người cao tuổi cần được ưu tiên trong những nỗ lực phòng chống dịch bệnh, cần đánh giá liệu dịch bệnh có làm thay đổi cách thế giới nhận thức và phản ứng với tình trạng già hóa trong xã hội. Theo TTK LHQ, tạo thêm cơ hội cho người cao tuổi, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, lương hưu và bảo vệ xã hội là những điều đặc biệt cần thiết.

Ông Guterres nhấn mạnh khi thế giới tìm hướng để cùng nhau phục hồi tốt hơn, cần có những nỗ lực đồng điệu để cải thiện đời sống cho người cao tuổi, cho gia đình và cộng đồng của họ. Hơn lúc nào hết, thế giới cần lắng nghe những nguyện vọng và ý tưởng của người cao tuổi để xây dựng một xã hội toàn diện và thân thiện với người cao tuổi hơn vì tiềm lực của người cao tuổi chính là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Cũng trong ngày 1-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia châu Phi ưu tiên đảm bảo an toàn cho người cao tuổi, những người thuộc nhóm nhạy cảm hơn với đại dịch so với các nhóm dân số khác. Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho rằng người cao tuổi có nguy cơ bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cao hơn so với những nhóm khác, vì vậy mọi biện pháp nhằm kiềm chế dịch bệnh do virus gây ra cần đặc biệt chú ý tới nhóm này. Tại châu Phi, hơn 17.000 người độ tuổi trên 55 tử vong vì COVID-19, chiếm hơn 50% tổng số ca tử vong vì dịch bệnh ở châu lục.

Theo bà Moeti, người cao tuổi là nguồn kiến thức và tài năng của thế giới, ảnh hưởng lớn tới quá trình trưởng thành của thế hệ sau. Năm 2020 được coi là năm bắt đầu của một thập kỷ “già hóa lành mạnh” với nhận thức về những tác động kinh tế và xã hội sâu sắc của tình trạng già hóa dân số toàn cầu. Đây là cơ hội để đầu tư nhiều hơn cho cuộc sống lâu dài và lành mạnh, loại trừ những tư tưởng phân biệt tuổi tác và nâng cao quyền tự quyết cho người cao tuổi, thông qua việc xây dựng những hệ thống y tế và xã hội toàn diện có bao gồm cả những nhu cầu của người cao tuổi.

   LÊ ÁNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết