15/01/2014 - 10:01

Lấy chất bù lượng

Trong chuyến thăm châu Phi lần đầu tiên trong 8 năm qua của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết cung cấp khoản viện trợ lên tới khoảng 672 triệu USD trong vòng 5 năm cho Mozambique nhằm giúp quốc gia Đông Phi này đầu tư phát triển nguồn than đá và khí đốt.

Mozambique là "ngôi sao mới nổi" của châu Phi về lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), với nhiều trữ lượng được phát hiện trong vài năm gần đây. Theo hãng tin Reuters, trữ lượng các mỏ khí đốt ở nước này lên tới hơn 4,25 nghìn tỉ mét khối (đủ cung cấp cho cả Đức, Anh, Pháp và Ý trong 15 năm). Mozambique dự định xây dựng thêm 4 nhà máy LNG với tổng công suất 20 triệu tấn/năm vào năm 2018. Trong khi đó, Nhật lại là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, do nhu cầu LNG gia tăng sau khi thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3-2011 khiến nước này đóng cửa 50 lò phản ứng hạt nhân.

Ông Abe còn cam kết đầu tư khoảng 5 triệu USD để chuyển đổi nông nghiệp cho Éthiopié, đồng thời hỗ trợ nước này mở rộng khả năng sản xuất năng lượng tái tạo và địa nhiệt. Thủ tướng Nhật cũng hứa hỗ trợ 83,4 triệu USD giúp khu vực Sahel chống khủng bố. Hồi tháng 6 năm ngoái, Tokyo tuyên bố sẵn sàng viện trợ phát triển cho lục địa đen 14 tỉ USD cùng với hàng chục tỉ USD mà các doanh nghiệp xứ Mặt trời mọc cam kết đầu tư vào đây trong 5 năm tới.

Hiện tại, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tầm quan trọng của Nhật tại châu Phi vẫn còn "lép vế" so với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại châu Phi với giá trị buôn bán hai chiều năm 2012 lên tới 180 tỉ USD, trong khi Nhật Bản chỉ có 25 tỉ USD. Trung Quốc mới đây cam kết sẽ tăng gấp đôi tiền viện trợ cho châu Phi, lên tới 20 tỉ USD/năm, sau khi đã viện trợ phát triển 75 tỉ USD vào đây kể từ năm 2000.

Ông Abe mô tả châu Phi là "biên giới mới cho nền ngoại giao Nhật Bản" bởi thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm năng, nơi cung cấp năng lượng và khoáng sản dồi dào cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vốn không được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên. Dù đi sau Trung Quốc một thập niên, nhưng chính quyền Nhật Bản tin rằng mình có thể vượt qua bằng chất lượng viện trợ như đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư phát triển dự án, tức tạo ra việc làm cho người dân địa phương chứ không phải ngược lại. Tomohiko Taniguchi, người phát ngôn của ông Abe, cáo buộc Trung Quốc "dụ dỗ" giới lãnh đạo châu Phi bằng quà biếu, tặng phẩm để được đầu tư vào các lĩnh vực béo bở, và cho rằng chính sách viện trợ của Nhật Bản thì chân thành và liên kết cùng có lợi.

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết