(TTXVN)- Sau khi ghép nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), ngày 15-3, hai phi hành gia của tàu con thoi Endeavour của Mỹ đã thực hiện chuyến ra ngoài khoảng không vũ trụ thứ hai để lắp đặt robot -tay lái Dextre do Canada chế tạo ở bên ngoài ISS. Robot này sẽ giúp các nhà du hành vũ trụ trên ISS giảm bớt đáng kể khối lượng các công việc ở bên ngoài trạm, và do vậy giảm bớt số lần họ phải ra ngoài khoảng không vũ trụ.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), hai nhà du hành vũ trụ Richard Linnehan và Mike Foreman đã ở ngoài khoảng không vũ trụ 7 giờ và khoan bắt vít các cánh tay dài 3,3 mét của robot Dextre. Robot này, nặng 1,56 tấn và trị giá khoảng 200 triệu USD, có thể thực hiện các nhiệm vụ khó ở ngoài khoảng không, cho phép “cầm” và điều khiển các thiết bị có kích thước nhỏ bằng cuốn danh bạ điện thoại hoặc lớn như một ca-bin điện thoại, vì thế hỗ trợ hiệu quả quá trình nghiên cứu của các nhà du hành.
Mục đích của chuyến bay kéo dài 16 ngày đêm của tàu Endeavour là đưa lên ISS bộ phận đầu tiên của phòng thí nghiệm Kibo (nghĩa là “Niềm hy vọng” trong tiếng Nhật Bản) gồm 3 mô-đun của Nhật Bản trị giá 3 tỉ USD. Sau khi được hoàn thành, đây sẽ là một phòng thí nghiệm lớn nhất và cũng là cuối cùng được lắp đặt trên trạm ISS. Bộ phận đầu tiên của Kibo được đưa lên ISS là mô-đun thí nghiệm ELM-PS, nặng 4,2 tấn, dài 3,9 mét và có đường kính 4,4 mét, sẽ được dùng làm kho trữ lương thực và thiết bị. Phần chính của Kibo là “Mô-đun điều áp”, có hình trụ dài 11,2 mét và đường kính 4,4 mét, nặng 15,9 tấn, được trang bị một hệ thống điều khiển từ xa, sẽ được tàu Discovery đưa lên ISS vào cuối tháng 5 tới. Mô-đun cuối cùng của Kibo dự kiến sẽ “đổ bộ” lên ISS vào tháng 3-2009.