|
Tổng thống Lee Myung-bak và các tình nguyện viên trong buổi lễ ra mắt chương trình.
Ảnh: Korea Times |
Thành công khi tự đưa mình thoát khỏi bóng ma nghèo đói, Hàn Quốc giờ đây cảm thấy cần cống hiến chút gì cho thế giới. Mới đây, quốc gia Đông Á này đã cho ra đời một chương trình tương tự như mô hình Peace Corps (Tổ chức Hòa bình) của Mỹ, nghĩa là gửi các tình nguyện viên đến các nước nghèo.
Trong một chuyến đi đơn độc đến Lào năm 2008, kế hoạch nghề nghiệp đã hoạch định rõ ràng của chàng thanh niên Lim Keon-yeob bỗng nhiên rẽ sang hướng khác. Khắp nơi, anh nhìn thấy những chương trình tình nguyện của người Mỹ và Nhật. Anh tự hỏi, Hàn Quốc ở đâu?
Về nước, mặc dù bạn bè động viên thực hiện ước mơ làm thầy giáo hoặc đi lính của mình, chàng trai 24 tuổi tự dưng có suy nghĩ khác. Anh quyết định ghi danh vào chương trình World Friends Korea phiên bản Hàn Quốc của tổ chức tình nguyện Peace Corps. Từ bỏ những câu lạc bộ vui chơi và gia đình đầm ấm, Lim đến làm huấn luyện viên điền kinh trong một ngôi làng chưa có điện của Campuchia.
Các chương trình tình nguyện là một cách để Hàn Quốc đánh dấu sự nổi lên của mình trên trường quốc tế. Được thành lập năm 2009, World Friends Korea thống nhất các phong trào tình nguyện nhỏ bé rải rác khắp cả nước. Ngày nay, World Friends Korea có trên 3.000 tình nguyện viên làm việc tại 40 nước, xếp thứ hai sau Peace Corps với khoảng 8.000 người. Thành viên của chương trình không hẳn đều là thanh niên. Nhiều người đã nghỉ hưu hoặc thuộc các thế hệ từng chứng kiến cuộc chiến liên Triều và thời hậu chiến cũng tham gia. Đến năm 2015, World Friends Korea hy vọng sẽ tăng số tình nguyện viên lên 20.000 người.
“Hàn Quốc khẳng định mình trên trường thế giới một phần nhờ những đóng góp hào phóng cho cộng đồng quốc tế”, điều phối viên của chương trình cho biết. “Chúng tôi đồng cảm với các nước mình đến giúp đỡ. Vì cách đây 50 năm, nạn đói đã từng lan rộng ở Hàn Quốc. Đối với nhiều tình nguyện viên chúng tôi, đó là ký ức tuổi thơ khó phai”.
Tuy nhiên, trong một đất nước luôn bị ám ảnh bởi sự thành công và thứ hạng, động cơ tốt của các chương trình như World Friends Korea vẫn bị nghi ngờ. Nhiều nhà phân tích cho rằng các tình nguyện viên xem chương trình này là một tấm vé đưa mình vào thị trường lao động đang ngày càng thu hẹp. Theo Shin Kwang-yeong, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Chung-Ang, những hoạt động tình nguyện ở nước ngoài luôn được đánh giá cao và xem như một điểm son trong hồ sơ xin việc. Đó là lý do nhiều bạn trẻ thích chúng. Các tình nguyện viên thường đăng ký tham gia 2 năm, nhưng các sinh viên có thể làm ngắn hạn trong những dịp được nghỉ học.
Seo Ki-tae, một “thanh niên xung phong” làm việc 2 tháng tại Indonesia và Paraguay thì cho biết đối với nhiều người, động cơ trong sáng khi làm tình nguyện chỉ là thứ cấp. Tuy nhiên, nó không hẳn là điều đáng chê trách. Công việc này thực sự có thể giúp ích cho nghề nghiệp tương lai của họ. Song, anh cũng cảnh báo những bạn trẻ chỉ chăm chăm làm tình nguyện để lấy điểm vì đây thực sự không phải là một trải nghiệm dễ dàng.
Tổng thống Lee Myung-bak từng có cuộc nói chuyện về mục tiêu của World Friends Korea - chương trình ông đã xúc tiến hình thành. Ông cho biết với chương trình này, Hàn Quốc sẽ chia sẻ với bạn bè thế giới những kinh nghiệm đã đưa nước này thoát khỏi nghèo đói và trở thành một nền kinh tế mạnh như hiện nay.
BẢO TRÂM (Theo LA Times)