15/09/2009 - 21:01

Làm cách nào để vực dậy công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài?

Thời gian qua, cũng như với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nuớc, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động – XKLĐ) ở TP Cần Thơ gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi hàng loạt lao động đi làm việc ở Malaysia về nước trước hạn. Từ năm 2007 đến nay, số lao động đăng ký đi XKLĐ không nhiều và giảm dần từng năm. TP Cần Thơ đã, đang và sẽ làm gì để củng cố, đẩy mạnh công tác XKLĐ?

Nhiều sự chọn lựa...

Sau thời gian bất ổn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, hiện nay, thị trường lao động Malaysia đã chuyển động trở lại với các đơn hàng tuyển dụng phù hợp với lao động TP Cần Thơ. Công ty SONA tuyển lao động nữ giúp việc nhà; Công ty SOVILACO tuyển lao nữ làm việc trong nhà máy điện tử Canon, với các điều kiện, tiêu chuẩn thuận lợi, không cần trình độ học vấn, tay nghề.

Người lao động có thể tra cứu các thông tin về thị trường XKLĐ trên hệ thống mạng điện tử tại các phiên giao dịch việc làm TP Cần Thơ. 

Thị trường lao động Hàn Quốc cũng đang tập trung sự chú ý của đa số lao động các quận, huyện, do điều kiện tuyển dụng phù hợp, ít rủi ro, việc làm ổn định và thu nhập khá cao, với các ngành nghề: Sản xuất, dịch vụ, xây dựng, thủy sản, nông nghiệp, chăn nuôi. Người lao động phải tham gia khóa đào tạo tiếng Hàn, thi chứng chỉ KLPT (kiểm tra năng lực tiếng Hàn) và được chủ sử dụng lao động tuyển chọn ngẫu nhiên trên mạng điện tử. Thị trường Hàn Quốc còn tuyển lao động hàn 6G công nghệ cao (tham gia đào tạo và thi chứng chỉ quốc tế của hiệp hội hàn Mỹ hoặc Anh)...

Các thị trường lao động ở: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Bồ Đào Nha, Australia, các nước Trung Đông... cũng tuyển nhiều vị trí từ lao động phổ thông (công nhân nhà máy, phân xưởng, giúp việc nhà, khán hộ công), đến kỹ thuật viên, quản lý nhà hàng, khách sạn... với trình độ học vấn, chuyên môn, ngoại ngữ phù hợp từng vị trí. Chi phí, thu nhập, các chế độ ưu đãi của từng thị trường cũng khác nhau.

Hầu hết các thị trường XKLĐ với các điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp trên đều được ngành chức năng thẩm định, sàng lọc kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài. Điều đáng lưu ý là các thị trường ổn định về việc làm, thu nhập rất chú trọng chọn lao động có tay nghề, ngoại ngữ. Chính vì vậy, việc trang bị tay nghề và vốn ngoại ngữ nhất định khi tham gia XKLĐ là rất cần thiết đối với người lao động, tránh những rủi ro đáng tiếc trong quá trình làm việc.

Vận động XKLĐ ở các địa phương: Im ắng!

Thực tế cho thấy, các địa phương trước đây đưa nhiều lao động xuất khẩu sang Malaysia thì hiện nay, hoạt động này càng trầm lắng. Điều này dễ nhận thấy ở huyện Thới Lai, trước đây luôn dẫn đầu các quận, huyện về công tác XKLĐ, nhưng hiện nay hoạt động rất im ắng. Theo ngành chức năng địa phương, tình trạng nhiều lao động tại địa phương đi XKLĐ sang Malaysia về nước trước hạn đã tác động lớn đến công tác vận động XKLĐ, không tập trung được người lao động để tư vấn, giới thiệu thị trường lao động. Ở các xã: Trường Thành, Thới Tân (Thới Lai cũ), Trường Xuân, Định Môn, thị trấn Thới Lai... dù cán bộ phụ trách công tác XKLĐ nhiệt tình, nhưng vẫn không thu hút được bao nhiêu lao động. Theo ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, từ năm 2004 -2008, toàn xã có 32 lao động đi XKLĐ sang Malaysia và Hàn Quốc, đến nay, trừ 5 lao động ở Hàn Quốc ổn định việc làm, thu nhập, 6 lao động nữ làm ở nhà máy lắp ráp điện tử hết hợp đồng và xin gia hạn thêm, số còn lại về nước đúng hạn và trước hạn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan của người lao động. Do có quá nhiều luồng dư luận bất lợi từ phía người lao động, nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác vận động của địa phương.

Quận Bình Thủy trước đây cũng khá thuận lợi về công tác vận động XKLĐ, giờ cũng “im hơi lặng tiếng”. Từ năm 2004 đến 2008, toàn quận có 169 người đi XKLĐ sang Malaysia và Hàn Quốc; từ đầu năm 2009 đến nay chỉ đưa được 3 người đi XKLĐ. Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, mặc dù ngành chức năng luôn làm tốt việc đưa thông tin về các thị trường qua hệ thống truyền thanh, các cán bộ phụ trách công tác XKLĐ các phường, nhưng vẫn không có người đăng ký đi XKLĐ. Gần 2 năm nay, sau khi hàng loạt lao động đi Malaysia về nước với nhiều thông tin bất lợi, công tác vận động XKLĐ rất khó khăn. Riêng các thị trường XKLĐ khác thì hầu như lao động tại địa phương không đáp ứng các điều kiện về trình độ ngoại ngữ, tay nghề, chi phí... dù việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra, đến nay chưa có điển hình đi làm việc hiệu quả ở các thị trường mới nên khó thuyết phục người lao động. Qua thăm dò ý kiến người lao động ở các quận, huyện, các doanh nghiệp trong nước đang thu hút nhiều lao động vào làm việc với thu nhập tương đối ổn định, hay người lao động có thể tập hợp đi làm mướn theo mùa vụ, ít rủi ro hơn đi XKLĐ...

Hàng ngày, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Cần Thơ luôn niêm yết nhiều thông tin tuyển dụng các thị trường XKLĐ và đội ngũ nhân viên sẵn sàng tư vấn, giải thích các thắc mắc của người lao động. Định kỳ ngày 10 hàng tháng, tại các phiên giao dịch việc làm cũng mời các Công ty XKLĐ đến tư vấn, tuyển dụng XKLĐ... Thế nhưng, rất ít lao động đến tư vấn, đăng ký.

Đẩy mạnh XKLĐ: Cần giải pháp đồng bộ

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2009 của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có trên 33.400 người đi XKLĐ sang các nước, tập trung nhiều ở các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung. Riêng ở miền Nam, đặc biệt các tỉnh, thành ĐBSCL phong trào giảm sút đáng kể. Riêng ở TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, chỉ có 28 người đi XKLĐ, đa số sang thị trường Hàn Quốc (năm 2007: có 300 người đi XKLĐ, so với chỉ tiêu đặt ra là 700 lao động; năm 2008: có 200 người đi XKLĐ so với chỉ tiêu đặt ra là 300 lao động).

Tại các hội nghị trực tuyến sơ kết công tác của ngành LĐ-TB&XH 6 tháng đầu năm 2009 hay hội nghị công tác dạy nghề với các tỉnh, thành ĐBSCL luôn tập trung nhấn mạnh về sự cần thiết đẩy mạnh công tác XKLĐ ở các địa phương theo định hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo thương hiệu cho XKLĐ Việt Nam ở các thị trường lao động nước ngoài; tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nghề kỹ thuật, công nghệ cao. Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, công tác XKLĐ có nhiều khó khăn, thành phố vẫn tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động theo phương cách kết hợp với các cấp hội, đoàn thể giới thiệu các thị trường lao động phù hợp với trình độ dân trí từng nơi; vận động người lao động tham gia các lớp dạy nghề miễn phí tạo nguồn đi XKLĐ; khuyến khích gia đình đầu tư cho con em đi làm việc ở các thị trường có đơn hàng tốt, việc làm ổn định, thu nhập cao, theo định hướng của thành phố là XKLĐ kỹ thuật cao và chuyên gia”. Sở dĩ thành phố không giao chỉ tiêu XKLĐ cho các quận, huyện là để chọn lọc nguồn lao động, không đưa đi đại trà, chạy theo số lượng như trước đây. Đồng thời, ngành chức năng cố gắng khai thác và chọn lọc thị trường uy tín, ổn định, tiềm năng lâu dài; tạo và giữ mối quan hệ chặt chẽ với các công ty XKLĐ để kịp thời xử lý các sự cố phát sinh... Sắp tới, các địa phương cần tìm giải pháp củng cố công tác tuyên truyền vận động, giao trách nhiệm, chỉ tiêu phấn đấu cho các xã, phường, hoạt động của cán bộ phụ trách và cộng tác viên XKLĐ; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các ký kết liên tịch giữa ngành LĐ-TB&XH với các đoàn thể cùng cấp trong công tác XKLĐ...

Ngành LĐ-TB&XH kiến nghị Thành ủy, UBND TP Cần Thơ nên có văn bản tập trung chỉ đạo các quận, huyện về việc thực hiện công tác XKLĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của người dân về định hướng và tiềm năng XKLĐ. Gia đình và các tổ chức đoàn thể các cấp phải có động thái để thay đổi nhận thức của người lao động về trang bị tay nghề, trình độ học vấn, ngoại ngữ tương đối vững vàng và ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, giúp ích cho xã hội và gia đình, thông qua con đường XKLĐ.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết